Bản tin tài chính ngân hàng ngày 30/12: Kỳ vọng lãi suất vay giảm

Cập nhật: 08:47 | 30/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 30/12/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Mở tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu sinh lời hơn?, Đảm bảo ATM không quá tải và hết tiền trong dịp Tết Nguyên đán,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3012 ky vong lai suat vay giam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 24/12: Cao điểm tái cơ cấu ngân hàng năm 2020

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3012 ky vong lai suat vay giam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 23/12: Nhiều ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch năm

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3012 ky vong lai suat vay giam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/12: Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Vì sao các ngân hàng đua nhau tất toán nợ xấu tại VAMC?

Bên cạnh những ngân hàng vẫn đang có nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khá lớn, thì trong năm 2019 có không ít ngân hàng đã tất toán trước hạn toàn bộ nợ xấu bán cho công ty này trước đây. Động lực phía sau xu hướng này là gì?

Mặc dù theo Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016 cho phép các TCTD có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm, tuy nhiên quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính.

Do đó, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được. Thực tế cho thấy, những ngân hàng nào đã trích lập dự phòng đầy đủ tỷ lệ 20% mỗi năm theo quy định trong suốt bốn năm qua, thì áp lực trích lập cho năm cuối cùng này không phải là quá lớn.

Vì vậy, các ngân hàng này có lẽ cũng không cần phải xin gia hạn, nhất là trong bối cảnh lợi nhuận của ngành ngân hàng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong suốt hai năm qua, do đó đủ nguồn lực để xử lý các khoản nợ bán cho VAMC đến hạn phải thanh lý.

Thật ra, việc mua lại trước hạn nợ đã bán cho VAMC có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các ngân hàng. Thứ nhất, nếu vẫn để nợ xấu tại VAMC, định kỳ mỗi năm các ngân hàng phải trích lập chi phí dự phòng 20% giá trị trái phiếu đặc biệt đối với kỳ hạn năm năm và 10% đối với kỳ hạn 10 năm.

Áp lực chi phí trích lập như trên là khá lớn đối với một số ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn. Thay vì vậy, việc mua lại hay tất toán trước hạn nợ xấu bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện, đánh giá, xem xét lại chất lượng khoản vay để đưa về nhóm phù hợp hơn.

Ngoài ra, việc sở hữu lại nợ xấu đã bán trước đây cũng tạo cơ hội cho các ngân hàng định giá lại tài sản bảo đảm theo giá thị trường mới nhất. Cần lưu ý phần lớn các khoản vay bán cho VAMC trước đây đều có tài sản bảo đảm là bất động sản. Với diễn biến thị trường nhà đất đã tăng mạnh trong ba năm qua, việc định giá lại có thể giúp nhiều ngân hàng giảm được chi phí trích lập dự phòng đáng kể.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3012 ky vong lai suat vay giam

Mở tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu sinh lời hơn?

Gửi tiết kiệm ngân hàng đang là lựa chọn của nhiều người do những ưu điểm như tính thanh khoản cao (có thể rút tiền bất kỳ lúc nào), kỳ hạn linh hoạt, ít rủi ro và là sản phẩm tất cả ngân hàng đều có.

Người gửi có thể rút sổ trước hạn và nhận mức lãi suất không kỳ hạn, hoặc cầm cố để vay khi cần. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều loại sản phẩm như gửi tiền trực tuyến, tiết kiệm gửi góp... thuận tiện và đáp ứng các nhu cầu khác nhau.

Thông thường, với khoản tiết kiệm kỳ hạn dưới 2 tỷ đồng và kỳ hạn một năm, mức lãi suất mà các ngân hàng trả biến động 6,8 - 8,5% một năm. Với những khách hàng có số dư tiền tỷ lớn, mức lãi suất có thể lớn hơn 0,1 - 0,2%.

Tuy nhiên, trong khi gửi tiết kiệm lãi suất cao nhất hiện nay là khoảng 9%, trong năm vừa rồi, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 10,2% một năm.

Hiện nay, các nhà băng thường phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài trên 2 năm với lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm 0,5 - 2% một năm, nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.

Về tính thanh khoản, loại trái phiếu này cũng không được phép thanh toán trước hạn như chứng chỉ tiền gửi, nhưng thông thường các ngân hàng có mua lại trái phiếu sau khoảng nửa thời gian.

Khách hàng có thể cầm cố tại chính ngân hàng hoặc bất kỳ ngân hàng nào khác khi có nhu cầu vay vốn với lãi suất chênh lệch khoảng 0,5% một năm. Ngoài ra, người sở hữu trái phiếu có quyền chuyển nhượng, bán, cho tặng, thừa kế...

Nhìn chung, cả ba kênh tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu ngân hàng đều là kênh đầu tư ít rủi ro giúp người dân có thể tối ưu được khoản tiền nhàn rỗi.

Đảm bảo ATM không quá tải và hết tiền trong dịp Tết Nguyên đán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng có biện pháp phù hợp giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải.

Văn bản số 9722/NHNN-TT mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch NHNN thực hiện tốt các nội dung nhằm đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020.

Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động an toàn và thông suốt.

NHNN yêu cầu các ngân hàng có biện pháp phù hợp giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải; Chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý, xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng Tết bằng tiền mặt.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thanh toán, ngăn chặn và xử lý kịp thời các giao dịch gian lận, giả mạo, trái pháp luật…

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước theo quy định. Các đơn vị hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng về quy trình, thủ tục thu nộp ngân sách qua dịch vụ ngân hàng điện tử, hệ thống ATM, POS…

Mặt khác, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động theo dõi phản ánh của dư luận, báo chí về những vấn đề phát sinh về hoạt động thanh toán liên quan đến đơn vị mình để có biện pháp xử lý hoặc phản hồi thỏa đáng, kịp thời.

ĐHCĐ bất thường 2019 BIDV: Bầu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính Hana vào HĐQT

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 tại Hà Nội.

Cuộc họp được tổ chức nhằm thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông bao gồm tờ trình bổ sung, sửa đổi điều lệ BIDV, qui chế quản trị và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kì 2017 - 2022.

Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua việc bầu ông Yoo Je Bong giữ chức vụ thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kì 2017 – 2022 với tỉ lệ đồng ý trên 99%.

Theo giới thiệu của BIDV, ông Yoo Je Bong sinh năm 1962, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính Hana.

Ông Yoo Je Bong từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều tập đoàn tài chính quốc tế như Phó Chủ tịch và Giám đốc thường trực phụ trách kinh doanh toàn cầu Ngân hàng Jinlin, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Cho thuê tài chính Minsheng, Giám đốc Khối Chiến lược toàn cầu Tập đoàn tài chính Hana…

Đại hội cổ đông cũng đã thông qua các vấn đề về sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của BIDV. Cụ thể, sửa đổi nội dung về vốn điều lệ, qui định số lượng thành viên Ban kiểm soát, bổ sung người quản lí BIDV bao gồm Trưởng Khối, bổ sung trách nhiệm của Tổng Giám đốc trong việc trình bổ nhiệm chức vụ trên.

Đồng thời, bỏ qui định: "HĐQT có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định".

Ngân hàng cho biết việc sửa đổi các vấn đề trên nhằm đảm bảo tuân thủ qui định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Agribank "chạy" trước thềm cổ phần hóa

Nếu như trước đây phải giữa năm sau Agribank mới công bố báo cáo tài chính của năm trước thì giờ đây, kết quả hoạt động do Agribank cập nhật còn nhanh hơn cả những ngân hàng đã lên sàn.

Bên cạnh những lần công bố lãi "khủng", công cuộc tái cơ cấu của Agribank cũng có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là kết quả xử lý nợ xấu – "cục máu đông" khiến hoạt động của ngân hàng trì trệ một thời gian dài.

Sự bứt phá trở lại của Agribank đến trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị cổ phần hóa và năm 2019 chính là năm bản lề để thực hiện kế hoạch này. Theo nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Agribank, ngân hàng phải đẩy nhanh tiến độ các bước để cố gắng chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng TMCP, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu IPO vào cuối năm 2019 và chậm nhất đầu năm 2020.

Trên thực tế, mục tiêu cổ phần hóa của Agribank đã được đề ra từ nhiều năm. Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg năm 2016, Agribank nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, ngân hàng sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Sự kiện Agribank cổ phần hóa rất được thị trường chờ đợi. Bởi dù tụt lại nhiều năm, nhiều người vẫn xem Agribank là "anh cả" ngành ngân hàng. Agribank là ngân hàng có mạng lưới và độ phủ rộng lớn nhất bao gồm khoảng 774 chi nhánh và 1.293 phòng giao dịch trên cả nước. Ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 là VietinBank cũng mới chỉ có 157 chi nhánh và hơn 1.000 phòng giao dịch. "Sứ mệnh" cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp mang lại cho ngân hàng một vị trí hết sức quan trọng đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Dù khối nợ xấu tại nhà băng này còn lớn (cuối tháng 6 là hơn 17.000 tỷ), nhưng đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở khoảng 1,6%, đạt yêu cầu của NHNN.

Nghịch lý dòng tiền kiều hối

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), lượng kiều hối năm 2019 vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 6 - 8% so với năm 2018, khoảng 13 - 14 tỷ USD.

Như vậy, 2019 có thể là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Các năm 2017, 2018, lượng kiều hối đổ về lần lượt 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD.

Nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chỉ tiêu tiết kiệm, là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Nguồn tiết kiệm bao gồm NDI trừ đi tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và của Chính phủ). Do đó, nếu tiết kiệm không đủ để đầu tư, nền kinh tế phải đi vay.

Thực tế từ nhiều năm nay, phía Tổng cục Thống kê không chỉ công bố chỉ tiêu GDP mà đã công bố số liệu về thu nhập quốc gia và chi trả sở hữu thuần (chuỗi số liệu này có từ năm 1990). Nhưng có một nghịch lý là hầu như không có ai sử dụng những chỉ tiêu quan trọng này trong phân tích tình hình bức tranh thực sự của nền kinh tế.

Niên giám Thống kê cho thấy, tỷ lệ giữa GNI và GDP đang ngày càng bị nới rộng đáng kể. Năm 2010, tỷ lệ giữa GNI và GDP là 97%, đến năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn 93%. Điều này cho thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chỉ tiêu hoặc chi trả sở hữu ngày càng nhiều.

Tăng trưởng bình quân chi trả sở hữu thuần trong giai đoạn 2010 - 2018 theo giá hiện hành 29%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành bình quân giai đoạn này 16%, như vậy có thể thấy luồng tiền chảy ra nước ngoài tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP lên đến 13 điểm phần trăm.

Năm 2018, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, chi trả sở hữu đạt khoảng 18 tỷ USD. Phần nhiều trong khoản 18 tỷ USD này là khu vực FDI chuyển tiền về nước sau khi được hưởng mọi ưu đãi về chính sách đầu tư của phía Việt Nam. Ước tính chi trả sở hữu năm 2019 có thể trên 19 tỷ USD.

Một sự thật trớ trêu đang diễn ra của nền kinh tế Việt Nam là tăng trưởng GDP đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Điều này cho thấy một nghịch lý phải chăng càng tăng trưởng GDP càng khiến nguồn lực của nền kinh tế bị bào mòn?

Cẩn trọng mất tiền tài khoản ngân hàng

Hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo nhằm vào đối tượng khách hàng cá nhân, như giả mạo trang web ngân hàng; giả danh công an, an ninh, thuế, hải quan, ngân hàng; lắp thiết bị sao chép thẻ, gắn phím giả và camera đọc password ở ATM; sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ POS hoặc QR Code của nước ngoài…

Ông Nguyễn Quang Trung, Cố vấn cao cấp Công ty OnCloud, cho biết với trường hợp mất tiền nói trên, hacker thường gửi email nội dung yêu cầu thay đổi mật khẩu hoặc bổ sung thông tin. Sau đó, khách hàng click vào, cung cấp đủ username, password, OTP cho kẻ gian thực hiện chuyển tiền qua tài khoản khác. Để phòng ngừa tránh bị lừa như vậy, người dùng cần lưu ý chỉ login vào trang web ngân hàng chính thống, không truy câp vào bất kỳ đường link lạ nào được gửi qua email hay trên Facebook.

Đặc biệt khi rút tiền tại cây ATM, người dùng cần lưu ý lấy tay che khi nhập password, vì kẻ gian có copy được thẻ, nhưng không có password cũng như không. Nếu thấy nghi ngờ bàn phím giả thì bỏ qua, không tiếp tục rút tiền và chuyển sang cây ATM khác.

Ngoài ra, ông Vũ Thành Trung – Giám đốc Khối Ngân hàng số MBBank cho biết, hiện bảo mật đang là vấn đề được các ngân hàng đặt lên hàng đầu trong các dịch vụ của mình. Các sản phẩm dịch vụ số được các ngân hàng bảo mật nhiều lớp, thường được kiểm tra bảo mật hàng quý để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

"Các ngân hàng sẽ không bao giờ gọi điện trực tiếp hỏi những thông tin nhạy cảm, như username, password hoặc mã OTP… Vì vậy, khách hàng cần giữ những thông tin bảo mật cá nhân thật cẩn trọng như một phần của cơ thể của mình, như vậy sẽ không bao giờ có vấn đề gì xảy ra về an ninh bảo mật", ông Vũ Thành Trung khuyến nghị.

Kỳ vọng lãi suất vay giảm

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi Phát lộc với lãi suất 9,1%/năm kỳ hạn 6 năm và lãi suất tới 9,3%/năm kỳ hạn 8 năm. Mức lãi suất cao được áp dụng cho năm đầu tiên và sẽ được điều chỉnh hằng năm.

Đáng lưu ý, số tiền khách hàng tham gia chỉ từ 100.000 đồng. Đây là mức tiền gửi huy động để tham gia mua chứng chỉ khá thấp, so với những chương trình của các NH khác trước đó. Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm. Phát hành chứng chỉ tiền gửi là cách được một số NH thương mại triển khai thời gian qua nhằm huy động vốn trung dài hạn. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,79%, nền kinh tế tăng trưởng 7,02%. Tính đến ngày 20/12, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1% so với cuối năm ngoái. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định.

Các số liệu khả quan này được thị trường kỳ vọng trong năm 2020, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu do Quốc hội đặt ra, kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2019.

Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2020, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5 - 1 điểm %/năm, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay. Báo cáo nhận định xu hướng giảm lãi suất trở nên rõ nét hơn ở Việt Nam với các động thái mạnh mẽ từ NHNN, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5 điểm %/năm lãi suất cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trước Quốc hội.

Để kinh tế tiếp tục đi lên trong thời gian tới, một thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng không ít chuyên gia khuyến nghị lãi suất cho vay bình quân cần giảm thêm 0,75 - 1 điểm %/năm.

Hoài Dương