Bản tin tài chính ngân hàng ngày 25/2: MB, Techcombank, Vietcombank giữ ngôi vương về tỉ lệ CASA năm 2019

Cập nhật: 09:13 | 25/02/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 25/2/2020 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: MB, Techcombank, Vietcombank - Những ngân hàng giữ ngôi vương về tỉ lệ CASA năm 2019; Giãn nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng gặp khó vì dịch Covid-19; Ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận 2 con số…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019

Giãn nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/2/2020: USD tăng nhẹ trở lại

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019

Cần làm rõ việc huy động vốn và thế chấp ngân hàng

MB, Techcombank, Vietcombank - Những ngân hàng giữ ngôi vương về tỉ lệ CASA năm 2019

Tỉ lệ CASA (Current Account Savings Account) hay tỉ lệ tiền gửi không kì hạn đã trở thành chỉ tiêu được nhiều người quan tâm khi đánh giá hoạt động tài chính của một ngân hàng.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, Top 3 ngân hàng có tỉ lệ CASA cao nhất năm 2019 là MBBank, Techcombank và Vietcombank. Trong đó, MBBank tiếp tục giữ vị trí quán quân với hơn 97.300 tỉ đồng tiền gửi không kì hạn, chiếm 35,7% tổng số dư tiền gửi khách hàng trong năm 2019.

Với đặc thù là ngân hàng thương mại có cổ đông chủ chốt là Quân đội Việt Nam và các công ty nhà nước, MBBank hiện nắm trong tay tài khoản và hệ thống thanh toán, chi trả lương của lực lượng quân đội. Trong khi đó, "ông lớn" Vietcombank có ưu thế rõ ràng khi có hệ thống thanh toán lương của công chức Nhà nước.

Điều này làm nên những lợi thế đặc thù của hai ngân hàng này về số dư tiền gửi không kì hạn. Và do đó, mặc dù không phải là người dẫn đầu nhưng có lẽ Techcombank lại là ngân hàng gây ấn tượng nhất trong Top 3 khi không nắm trong tay "cành ô liu" nào. Ngân hàng này đã luôn duy trì được tỉ lệ CASA khá cao và tăng trưởng dần trong những năm gần đây.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019
Hình minh hoạ

Giãn nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng gặp khó vì dịch Covid-19

Đây là một trong những nội dung của Văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 24/2.

Theo nội dung của văn bản trên, ngày 14/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, trong đó giao “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch”.

Vì vậy, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid-19 để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3/2020.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tổ chức tín dụng hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống. Trong đó cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.

Theo văn bản trên, tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng dẫn, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên vào ngày 15/3 và ngày 31/3/2020.

Ngành ngân hàng: Vẫn tăng trưởng lợi nhuận 2 con số

Theo báo cáo mới phát hành của Công ty cổ phần FiinGroup (FiinGroup) cho biết, trong năm 2019, khối 18 ngân hàng niêm yết chiếm 67,4% tổng dư nợ toàn ngành với mức tăng trưởng tín dụng 15,5%, cao hơn so với toàn ngành (13,5%).

Số liệu từ tổng hợp của FiinGroup cho thấy, 18 ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 29,3% năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ cải thiện biên lãi ròng (NIM) ở mức 30 điểm cơ bản lên 3,4% từ mức 3,1% năm 2018. Cải thiện NIM của các ngân hàng chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dùng ở một số ngân hàng thông qua công ty con như VPBank, HDBank, MBBank và gần đây là SHB.

Đồng thời, tăng trưởng cho vay doanh nghiệp có xu hướng giảm và chỉ ở mức 7,8% năm 2018. Tăng trưởng tín dụng cá nhân tuy cũng có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức 23,3% năm 2018. Bên cạnh đó, thu phí dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng rất mạnh ở mức 30,7% và sự cải thiện đến từ ba ngân hàng chính là VIB (144,6%), VPB (84,2%) và TienphongBank (58,6%). Ba ngân hàng lớn có vốn nhà nước cũng đều tăng trưởng mạnh thu nhập về phí: Vietinbank (46,5%), VCB (26,6%) và BIDV (20,6%). Trong khi đó, các hoạt động khác bao gồm đầu tư, kinh doanh chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu chính phủ), kinh doanh ngoại hối, vàng và thu nhập cổ tức tổng cộng chỉ tăng trưởng 5,4% trong năm 2019.

Cũng theo FiinGroup, ngành Ngân hàng về cơ bản đã xử lý xong nợ xấu từ giai đoạn khủng hoảng lần trước. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 18 ngân hàng niêm yết đã được kiểm soát xuống còn 2,82% - đây là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hơn nữa, tính đến hết quý IV/2019, chỉ còn 7/18 ngân hàng niêm yết chưa giải quyết xong trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với tổng dư nợ là hơn 6,3 nghìn tỷ đồng, trong đó Eximbank (EIB) chiếm 70%.

Nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu của FiinGroup cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành Ngân hàng khi chất lượng tài sản đang ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, “để đánh giá chất lượng tài sản thì chúng ta cần xem thêm nhiều yếu tố khác như chất lượng của các danh mục đầu tư chứng khoán và trái phiếu” – các chuyên gia của FiinGroup lưu ý.

Biên lãi ròng sẽ tiếp tục cải thiện

Nhận định về ngành Ngân hàng, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 12,5%, chậm hơn mức ước tính hơn 13% trong năm 2019. Nguyên nhân được BSC đưa ra là: tăng trưởng GDP, nhu cầu vay vốn dài hạn để sản xuất kinh doanh chậm lại; các ngân hàng thiếu vốn sẽ bị hạn chế cấp tín dụng…

Cùng với đó, theo BSC, NIM toàn ngành Ngân hàng 2020 được dự báo cải thiện nhẹ nhờ lãi suất cho vay và huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ hỗ trợ tăng trưởng chung toàn thị trường. Đồng thời, cơ cấu lại các khoản vay sang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân cũng sẽ giúp cải thiện NIM. Theo ước tính của BSC, NIM toàn ngành sẽ tăng trưởng nhẹ lên mức 3,64%.

Trong năm 2020, các chuyên gia của BSC cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ được cải thiện. Điều này sẽ đến từ việc tăng trưởng tín dụng được cấp ở mức thấp giúp các ngân hàng chọn lọc khoản vay an toàn; đồng thời kiểm soát, hạn chế cho vay vào các ngành nghề rủi ro như bất động sản, các ngành sản xuất làm ăn thua lỗ. Cũng trong năm 2020, các ngân hàng sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu dứt điểm, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã xử lý xong nợ VAMC và đa phần các ngân hàng niêm yết đã áp dụng thành công Basel II, giúp hướng đến hoạt động ổn định và rủi ro thấp, nâng cao năng lực về vốn cho ngân hàng.

Ngoài ra, chất lượng tài sản các ngân hàng còn được cải thiện nhờ quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn và cho vay trung dài hạn giảm xuống mức 40% đến tháng 10/2020 và dần về mức 30% trong năm 2022. “Việc cải thiện chất lượng tài sản sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng và tăng tỷ trọng lợi nhuận trước thuế (PBT) trong tổng thu nhập hoạt động (TOI)” – báo cáo của BSC nhấn mạnh.

Trong năm 2020, BSC dự báo thu nhập từ lãi sẽ tăng trưởng ở mức 14,6%, tuy nhiên, các hoạt động thu nhập ngoài lãi (phí dịch vụ, bán chéo sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), thu hồi từ các khoản nợ đã xóa,…) vẫn tăng trưởng mạnh cùng việc chất lượng tài sản được cải thiện sẽ giúp giảm chi phí trích lập dự phòng. BSC ước tính trong năm 2020, TOI và PBT của các ngân hàng niêm yết sẽ đạt lần lượt 325.808 tỷ đồng (+15,7% so với 2019) và 125.892 tỷ đồng (+21,4% so với 2019).

“Với dư địa tăng trưởng cao cũng như mặt bằng định giá hiện tại vẫn còn thấp so với khả năng sinh lời của ngành, chúng tôi giữ nguyên quan điểm khả quan với ngành Ngân hàng trong năm 2020 và khuyến nghị đầu tư vào các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao” – BSC khuyến nghị.

Mới đây, báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đã nhận định, mặc dù dịch viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đã và đang tác động tiêu cực tới nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có ngân hàng, nhưng triển vọng của ngành Ngân hàng năm 2020 nói chung vẫn tích cực.

SSI Research dự báo lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể tăng 22,5% nhờ câu chuyện phục hồi tại một số ngân hàng, cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi tại các ngân hàng khác nhờ tăng NIM, tăng thu nhập bancassurance và thu nhập từ phí thanh toán.

WB và IMF hỗ trợ đào tạo quản lý nợ bền vững cho Việt Nam

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đào tạo cho khoảng 45 đại biểu là cán bộ Bộ Tài chính, các uỷ ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,... về quản lý nợ bền vững (DSA).

Từ ngày 24 đến 28/2/2020, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với WB và IMF tổ chức khóa đào tạo "Quản lý nợ bền vững cho các quốc gia có khả năng vay vốn trên thị trường”, nhằm tăng cường năng lực xây dựng các báo cáo chiến lược cho Bộ Tài chính và các bên liên quan.

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, 2020 là năm đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam khi bắt đầu xây dựng chiến lược, kế hoạch mang tính định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành và địa phương lập “Chiến lược quản lý nợ công 10 năm” và “Kế hoạch vay trả nợ công 5 năm”, trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng theo ông Võ Hữu Hiển, theo quy định của Việt Nam, trước ngày 30/6, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ban ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; trong đó bao gồm: tham mưu về mức trần và ngưỡng an toàn cho các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP và chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước.

Hiện nay, phân tích DSA là một trong những mô hình quản lý nợ chủ đạo có liên hệ mật thiết với nhiệm vụ phân tích, dự báo và thực hiện các nghiệp vụ quản lý rủi ro danh mục nợ để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. DSA cũng là công cụ quan trọng để xây dựng các chỉ tiêu giám sát nợ phục vụ kế hoạch, chương trình, chiến lược quản lý nợ. Việc xây dựng các báo cáo này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan ngoài và trong Bộ Tài chính.

Tuy nhiên từ trước đến nay, DSA mới do các chuyên gia IMF thực hiện đánh giá trong khuôn khổ đoàn công tác Điều khoản IV mà chưa có sự tham gia trực tiếp của Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc nghiên cứu, vận hành mô hình này. Do đó, ông Hiển nhấn mạnh khóa đào tạo này diễn ra tại thời điểm rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng để góp phần triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cũng như xây dựng các báo cáo chiến lược không chỉ cho Bộ Tài chính mà còn cho các cơ quan có liên quan.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019 Giãn nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

TBCKVN - "Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi ...

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019 Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/2/2020: USD tăng nhẹ trở lại

TBCKVN – Đồng USD lấy lại đà tăng vào đầu phiên giao dịch hôm nay 25/2. Tỷ giá USD đã chịu áp lực từ kì ...

ban tin tai chinh ngan hang ngay 252 mb techcombank vietcombank giu ngoi vuong ve ti le casa nam 2019 BIDV tiếp tục bán 65 căn hộ tại The Era Town, khởi điểm từ 2,5-5,5 tỷ đồng

TBCKVN - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Gia Định (BIDV Gia Định) vừa thông báo bán 65 ...

Tân An (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm