Bản tin tài chính ngân hàng ngày 1/10: 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt 8,64%

Cập nhật: 10:54 | 01/10/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 1/10/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những tin chính như sau: Giảm lãi, ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, điều hành chính sách tiền tệ,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 110 9 thang dau nam 2019 tang truong tin dung dat 864

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 30/9: NHNN dự kiến thay đổi mức phí rút tiền mặt

ban tin tai chinh ngan hang ngay 110 9 thang dau nam 2019 tang truong tin dung dat 864

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 27/9: NHNN quyết định cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam áp dụng Basel II

ban tin tai chinh ngan hang ngay 110 9 thang dau nam 2019 tang truong tin dung dat 864

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 26/9: Vietcombank tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động

Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa niềm tin

Diễn biến trái chiều của USD và nhân dân tệ - đồng tiền của hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam - đã tạo một sức ép không nhỏ đến tỷ giá, lãi suất trong nước. Thế nhưng dưới sự điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng trong bão, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018; huy động vốn của các TCTD tăng 8,68%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4%, phù hợp với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất huy động được duy trì ổn định trong bối cảnh sức ép lạm phát, tỷ giá những tháng đầu năm là khá lớn. Không những vậy, mặt bằng lãi suất cho vay còn có xu hướng giảm sau khi các NHTM Nhà nước lớn hai lần tiên phong cắt giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thị trường ngoại hối, tỷ giá cũng được duy trì ổn định bất chấp việc nhiều đồng tiền trên thế giới và khu vực rớt giá mạnh so với USD. Theo đó, tính đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 335 đồng/USD, tương đương tăng 1,47%; trong khi chỉ số USD đã tăng 2,39% so với đầu năm. Thậm chí giá mua – bán USD của các ngân hàng hầu như không tăng so với cuối năm 2018.

Không những vậy, trước xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed và ECB, NHNN cũng đã nhanh chóng giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành để giúp các TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD. Không chỉ vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, động thái giảm lãi suất của NHNN cũng có tác động hết sức tích cực đến tỷ giá trong nước.

Không chỉ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, sự điều hành chính sách tiền tệ hết sức linh hoạt, chủ động của NHNN còn góp phần tích cực vào việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, các thành viên của Ban cũng ghi nhận, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng chỉ tăng 2,52%, thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua một phần cũng nhờ việc NHNN cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành làm ổn định lãi suất và tỷ giá, kiểm soát lãi suất cơ bản ở mức 1,91% trong 9 tháng.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 110 9 thang dau nam 2019 tang truong tin dung dat 864
Ảnh minh họa

Giảm lãi, ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, ngành Ngân hàng là đơn vị đi đầu luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ tích cực về nguồn vốn vay ưu đãi, giúp các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch kinh doanh để đứng vững trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những ngân hàng chủ lực, đi đầu trong triển khai, thực thi các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và luôn tiên phong trong hạ lại suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều lần giảm lãi suất từ đầu năm 2019 đến nay, mức giảm 1,0%/năm so với quy định của NHNN.

Cụ thể, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc 7 lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; Phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao; Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp.

9 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 8,64%

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018.

Được biết, năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phía NHNN cho biết cơ quan này đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, chỉ đạo TCTD chủ động rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.

Đáng chú ý, trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế ,đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9/2019, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.

NHNN cho hay, về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định

Trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2, 09 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 104, 9% và 155, 3% so với cùng kỳ năm 2018).

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng thời gian tới, NHNN cho biết sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ.

Đồng thời, điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mức hợp lý và củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.

Cùng với đó, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% vào năm 2020.

CMC có dễ thoái vốn tại BaoVietBank?

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC (mã CK: CMG) vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Ngân hàng Bảo Việt (OTC: BVBank).

Theo đó, HĐQT Tập đoàn CMC đã ủy quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CMC hoàn tất việc chuyển nhượng hơn 10% cổ phần tại BaoVietBank. Như vậy, toàn bộ cổ phần BaoVietBank mà CMC sở hữu sẽ được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác.

Một trong những lý do chính khiến CMC thoái vốn khỏi BaoVietBank là do tình hình kinh doanh của ngân hàng này không mấy khả quan, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng thấp nhất từ trước đến nay.

Điều này khiến cho số tiền cổ tức mà CMC nhận được từ BaoVietBank thấp hơn so với lãi suất ngân hàng (được biết khoảng 6%/năm). Đây là cuộc chia tay bất đắc dĩ của CMC sau 10 năm gắn bó với ngân hàng này.

Theo báo cáo tài chính của BaoVietBank đã được soát xét công bố ngày 30/6/2019, ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, số vốn góp của CMC vào BaoVietBank là 10,3%, trị giá hơn 324 tỷ đồng theo mệnh giá. Hai cổ đông lớn còn lại là Tập đoàn Bảo Việt (sở hữu 49,5%) và Vinamilk (sở hữu hơn 14%).

Những loại tài khoản Kho bạc Nhà nước được mở tại ngân hàng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN) mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Theo quy định mới của Bộ Tài chính, có 4 loại tài khoản tiền gửi không kì hạn của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, gồm: Tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu.

Thông tư cũng hướng dẫn về nội dung sử dụng tài khoản. Trong đó, tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán chung của các đơn vị KBNN qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Các giao dịch được thực hiện qua tài khoản này bao gồm: Các khoản thu, chi ngân quỹ nhà nước của Sở Giao dịch KBNN, KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện; các khoản thu, chi liên quan đến quản lý nợ; các giao dịch điều hành số dư tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán của toàn hệ thống KBNN; các giao dịch sử dụng ngân quỹ của Nhà nước tạm thời nhàn rỗi, xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt theo chế độ quy định và các giao dịch khác.

Tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN Trung ương mở tại trụ sở chính của ngân hàng thương mại được sử dụng để thực hiện các quyết toán cuối ngày từ các tài khoản chuyên thu của KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện tại cùng hệ thống ngân hàng thương mại và các giao dịch chuyển tiền ngân quỹ nhà nước cuối ngày về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Việc thu, chi, thanh toán, đối chiếu số liệu quyết toán cuối ngày đối với tài khoản của các đơn vị KBNN tại các ngân hàng thương mại được thực hiện theo thỏa thuận về quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN Trung ương và từng hệ thống ngân hàng thương mại.

Thông tư này cũng hướng dẫn chi tiết quy trình đóng, mở tài khoản của KBNN; nhiệm vụ và quyền hạn của KBNN.

Văn Khương