Thị trường chứng khoán “bùng nổ” thời Covid-19: Trong “cơ” phải nhìn ra “nguy”:

Bài 3: Những khuyến nghị để phát triển thị trường chứng khoán bền vững “hậu” Covid-19

Cập nhật: 15:35 | 04/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng nhưng với diễn biến dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ vẫn là thách thức lớn với triển vọng phát triển bền vững của thị trường.

Thị trường “bùng nổ” làm bộc lộ nhiều thách thức

Như chúng tôi đã phân tích, sự “bùng nổ” của thị trường chứng khoán thời gian qua chủ yếu đến từ dòng tiền “nóng” đang thiếu kênh đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh đang làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dòng tiền “ồ ạt” chảy vào thị trường làm cho vai trò “hàn thử biểu” nền kinh tế của TTCK đang bị lung lay, hay nói cách khác, TTCK đang thiếu sự liên hệ với “sức khỏe” nền kinh tế. Điều này cũng làm nảy sinh nhiều rủi ro, thách thức với thị trường.

Chúng tôi xin chỉ ra một số thách thức, rủi ro lớn như sau:

Thứ nhất, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn đang thách thức đà tăng trưởng bền vững của TTCK.

Theo đó, mặc dù đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực nhất trong bối cảnh suy thoái toàn cầu song Việt nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức lớn nội tại như: Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh chưa cao, tái cơ cấu còn chậm và chưa đi vào chiều sâu; Sức ép cạnh tranh, sức ép cải cách, rủi ro pháp lý… trong quá trình hội nhập...

Thứ hai là nền tảng nhà đầu tư chưa thực sự bền vững, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0), thiếu chuyên nghiệp, sức chịu đựng kém. Dòng tiền “nóng” chảy mạnh vào thị trường nhưng lại rất “lỏng” có thể rút ra nhanh chóng; tâm lý “bầy đàn” vẫn còn.

Theo các chuyên gia, mặc dù nguy cơ bong bóng trên TTCK Việt Nam là khó xảy ra song không thể loại trừ nguy cơ sụt giảm, đảo chiều. Với việc thị trường đang có sự góp mặt của lượng lớn các nhà đầu cá nhân như trên thì sự hoảng loạn, bán tháo sẽ là điều có thể nhìn thấy trước.

Thứ ba là việc thị trường chứng khoán và nhiều cổ phiếu đã trở nên đắt đỏ hơn. Theo đó, đà tăng của TTCK chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực được hưởng lợi hoặc tăng trưởng tốt trong dịch bệnh, trong khi cổ phiếu của nhiều ngành đang gặp khó khăn vẫn giảm khá mạnh. Điều này khiến TTCK nói chung và giá nhiều cổ phiếu đã trở nên đắt đỏ hơn, nhiều cổ phiếu được định giá cao so với các giá trị cơ bản.

3045-chung-khoan-viet-nam2
sự “bùng nổ” của thị trường chứng khoán thời gian qua chủ yếu đến từ dòng tiền “nóng” đang thiếu kênh đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư là xu hướng lạm dụng margin của nhiều nhà đầu tư. Theo thống kê của UBCKNN, tính đến cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương với tăng 53%. Con số này tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện nay, trong khi nguồn vốn tự có của các công ty chứng khoán chưa theo kịp đà tăng trưởng của thị trường. Điều này dẫn đến một số công ty chứng khoán đã chạm hoặc vượt “trần” cho vay margin. Trong khi đó, cho vay margin cao tiềm ẩn rủi ro lớn đối với cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư khi thị trường điều chỉnh.

Thứ năm là rủi ro áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng và các nước giảm dần các gói nới lỏng định lượng, khiến rủi ro dòng vốn đảo chiểu, giảm thanh khoản là hiện hữu.

Chưa kể, TTCK Việt Nam vẫn còn những hạn chế cố hữu như: Tiến trình nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vẫn gặp nhiều trở ngại về pháp lý và chính sách cần nhiều thời gian để tháo gỡ;Tính minh bạch, chuyên nghiệp của thị trường chưa cao; Năng lực của các công ty niêm yết còn thấp, các yêu cầu quản trị công ty theo thông lệ tốt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển; Hạ tầng, công nghệ chưa theo kịp dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, tạm ngừng giao dịch, ảnh hưởng đến quyền lợi và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường...

Một số khuyến nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo dự báo của nhiều tổ chức và các chuyên gia, với triển vọng kiểm soát tốt dịch bệnh và đà khởi sắc của kinh tế, TTCK Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2021. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế, sự tăng trưởng bền vững của dòng tiền.

Vì vậy, để có thể chủ động vượt thách thức, nắm bắt cơ hội, khơi dậy tiềm năng tăng trưởng, đồng thời phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển TTCK bền vững, cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp tích cực và thiết thực. Chúng tôi xin khuyến nghị một số giải pháp như sau:

Một là: UBCKNN cần tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao sức chịu đựng của thị trường trước các yếu tố bên ngoài.

Triển khai thực hiện Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 và các văn bản hướng dẫn vào thị trường; triển khai Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QT-TTg ngày 07/01/2019; triển khai Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg… hướng tới cơ cấu hợp lý cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Hai là: Triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE góp phần thu hút hơn nữa dòng vốn ngoại và tăng niềm tin, sự hứng khởi cho dòng vốn nội.

Ba là: Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống . Theo đó, cần chú trọng xây dựng mô hình quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; các cơ chế xử lý khủng hoảng TTCK như: hệ thống cảnh báo sớm, cơ chế xử lý bong bóng tài sản, bong bóng chứng khoán…

Cùng với đó, hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên TTCK nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham gia thị trường.

Bốn là: Chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên TTCK, đặc biệt đầu tư cá nhân.

Theo đó, cần cập nhật kiến thức về tài chính, chứng khoán, về quản lý rủi ro đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nhà đầu tư, để họ trở thành những “nhà đầu tư thông thái”, có kiến thức, năng lực, bản lĩnh; có thể xác định rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, đa dạng hóa danh mục, tránh tâm lý đám đông…

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải đưa ra những khuyến cáo kịp thời tránh rủi ro cho các nhà đầu tư cũng như rủi ro hệ thống

Tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được vận hành bởi các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân.

Năm là: Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu giao dịch và thanh khoản ngày càng lớn của thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh đang gây bức xúc đối với nhà đầu tư hiện nay.

Sáu là: Giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán, không để xảy ra tình trạng “vượt trần” hay lách luật huy động vốn khách hàng này để cho vay khách hàng khác dẫn đến rủi ro nếu thị trường điều chỉnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 01 trong 10 thị trường có sức chống chọi với đại dịch Covid-19 và phục hồi tốt nhất thế giới. Chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng như, Bộ Tài chính, UBCKNN, Hiệp hội KDCKVN… thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, vượt qua đại dịch của thế kỷ, góp phần xây dựng đất nước ta hùng cường và vững mạnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Thu Hoài

Tin cũ hơn
Xem thêm