“Ba không” – trọng tâm chuyển đối số mạnh mẽ ở Cảng Đà Nẵng

Cập nhật: 15:02 | 11/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với 3 tiêu chí: Không tiếp xúc; Không dùng giấy; Không dùng tiền mặt.

Cổng container tự động autogate

Từ cuối năm 2020, Cảng Đà Nẵng triển khai phần mềm cảng điện tử ePort (electronic Port) và là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử; thông quan hải quan điện tử; hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử.

Với tiêu chí “ba không” làm trọng tâm (Không tiếp xúc; Không dùng giấy, Không dùng tiền mặt), CDN đặt mục tiêu mang đến sự thuận lợi cho các hãng tàu khách hàng xuất nhập khẩu, công ty vận tải, lái xe cũng như việc quản trị tại cảng.

EPort ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container của Hungary, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng...

Phần mềm cảng điện tử Eport được triển khai hệu quả tại Cảng Đà Nẵng
Phần mềm cảng điện tử Eport được triển khai hệu quả tại Cảng Đà Nẵng

Ngoài ra, Cảng Đà Nẵng nghiên cứu và triển khai thành công Cổng container tự động Autogate. Theo đó, nhiều giải pháp công nghệ đã được áp dụng như nhận dạng mã container bằng thuật toán ACCR kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI, nhận diện biển số xe đầu kéo/romooc, PLC điều khiển đóng mở barrie, đọc chỉ số đầu cân điện tử, dùng Robot (RPA) thực hiện lệnh, gửi thông tin qua APP điện thoại của lái xe, đã hỗ trợ đắc lực trong giao tiếp, thao tác, giám sát góp phần vào giao nhận container chính xác, nhanh chóng, rút ngắn giao nhận hàng đến khách hàng xuất nhập khẩu.

Việc áp dụng cổng container tự động Autogate sẽ hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và rút ngắn thời gian giao nhận hàng.

“Ba không” – trọng tâm chuyển đối số mạnh mẽ ở Cảng Đà Nẵng
Với tiêu chí "ba không", CDN hướng đến mục tiêu mang đến sự thuận lợi cho các hãng tàu khách hàng xuất nhập khẩu, công ty vận tải, lái xe cũng như việc quản trị tại cảng.

Cảng Đà Nẵng cho biết, việc chuyển đổi số mạnh mẽ giúp năng suất hàng qua cảng tăng đều hàng năm. Trong năm 2022, Cảng Đà Nẵng đã có 49 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, nhiều bộ phận với giá trị làm lợi cho công ty lên đến 12 tỷ đồng. Phần mềm Cảng điện tử ePort và cổng container tự động Autogate đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 16 (năm 2020-2021); Giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2021.

Đẩy mạnh hoạt động đầu tư

Cùng với việc đẩy mạnh số hóa, Cảng Đà Nẵng tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Cảng Tiên Sa, triển khai xây dựng khu bãi depot 20ha tại huyện Hòa Vang thành Trung tâm Logistics của miền Trung và Tây Nguyên.

Trong chiến lược dài hạn, với 2 bến cảng chính là Cảng Tiên Sa và Cảng Liên Chiểu cùng với Trung tâm Logistics, Cảng Đà Nẵng là một trong các trung tâm dịch vụ và điều phối Logistics của cả nước.

Ông Trần Lê Tuấn, TGĐ Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, để đẩy nhanh quá trình số hóa, Cảng Đà Nẵng đã tập trung thiết kế và xây dựng bức tranh tổng thể về số hóa trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Trần Lê Tuấn, TGĐ Công ty CP Cảng Đà Nẵng: Phấn đấu đến năm 2024 trở thành cảng số hóa hoàn toàn
Ông Trần Lê Tuấn, TGĐ Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết DN đặt mục tiêu đến năm 2024 trở thành cảng số hóa hoàn toàn.

“Trước hết, Cảng Đà Nẵng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến 2030. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2024 trở thành cảng số hóa hoàn toàn bằng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong và ngoài nước để áp dụng vào vận hành, khai thác và quản trị.

Đặc biệt, Cảng Đà Nẵng quyết tâm chuyển đổi số thành công để tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ. Tất cả hướng mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên trông gian số”, ông Tuấn cho biết.

Các báo cáo tài chính gần đây của CDN đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, cho thấy đơn vị đang điều hành hiệu quả.

Quý III/2022, doanh thu của CDN đạt 307,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của CDN đạt 862,7 tỷ đồng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 65,9 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm CDN lãi hơn 197,1 tỷ đồng.

Cao Thái

Tin cũ hơn
Xem thêm