Anh nỗ lực kiềm chế tác động của lạm phát

Cập nhật: 09:46 | 28/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh, Rishi Sunak ngày 26/5/2022 thông báo, gói hỗ trợ cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng của chi phí năng lượng tăng, với một loại thuế tạm thời đánh vào các tập đoàn dầu lửa.

Ngân hàng Trung ương Nga liên tiếp hạ lãi suất

Fed được khuyên tăng mạnh lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo

3937-tai-chinh-1
Ảnh minh họa

Gói hỗ trợ của chính phủ trị giá 15 tỷ bảng Anh (19 tỷ USD). Một phần số tiền này sẽ lấy từ tiền thu thuế đặc biệt, đánh vào lợi nhuận mà các tập đoàn dầu khí như BP và Shell được hưởng lợi từ việc giá dầu khí tăng mạnh thời gian gần đây.

Quyết định trên đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt của Thủ tướng Boris Johnson, người trước đó cho rằng động thái này sẽ ngăn cản các nỗ lực đầu tư vào năng lượng xanh của các công ty dầu khí lớn.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Sunak nhận định: “Có thể vừa đánh thuế lợi tức đặc biệt một cách công bằng và vẫn khuyến khích đầu tư”.

Giải pháp trên được đưa ra sau khi lạm phát năm của Anh đã lên tới mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây do chi phí năng lượng tăng quá nhanh, làm thu hẹp ngân sách của hộ gia đình và khiến nhiều người rất vất vả để xoay sở đủ sống.

Ông Sunak cho biết, thuế năng lượng mới sẽ đánh vào phần lợi nhuận của các công ty dầu khí, với mức thuế suất là 25%. Và thuế này sẽ chỉ mang tính tạm thời, khi giá dầu và khí đốt trở lại mức bình thường, thuế sẽ được huỷ bỏ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính Anh, thuế mới sẽ giúp thu về ngân sách 5 tỷ bảng trong năm tới. Số tiền này cộng với 10 tỷ bảng sẽ chi cho việc trợ cấp những người nghèo nhất.

Lạm phát bao trùm châu Âu

Tỷ lệ lạm phát trên toàn Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ tăng lên mức 6,8% trong năm nay, khi xung đột quân sự tại Ukraine – và những ảnh hưởng đến mối quan hệ với Nga tiếp tục gây tác động tới các nền kinh tế của khối.

Lạm phát gia tăng đặc biệt nóng ở các quốc gia Trung và Đông Âu gần chiến trường Ukraine. Giá trong tháng 4 tăng 14,2% ở Cộng hòa Séc, 12,3% ở Ba Lan và 10,8% ở Hy Lạp. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 61%, và đây cũng là nơi đã chứng kiến đồng tiền mất 44% giá trị so với đồng USD vào năm ngoái.

Bên cạnh việc tác động đến thị trường năng lượng, cuộc chiến ở Ukraine ngăn cản việc xuất khẩu các nguyên liệu thô như thép và khoáng sản, cũng như các mặt hàng như ngũ cốc và dầu hạt, làm gia tăng tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Theo thống kê từ các tổ chức vào cuối tháng 5, hiện 1/3 các nước EU có mức lạm phát từ 10% trở lên, trong đó các nước ở khu vực Baltic như Estonia, Lithuania và Bulgaria có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất. Các đợt lạm phát này hầu hết đều có liên quan đến tình trạng giá năng lượng tăng do xung đột Nga-Ukraine. Theo Eurostat, giá năng lượng chiếm hơn một nửa trong tỉ lệ lạm phát chung theo năm, ghi nhận ở mức 7,4% hồi tháng 4 của châu Âu, trong khi con số này một năm trước chỉ là 1,6%.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis hồi giữa tháng 5 cho rằng, nền kinh tế EU đang trải qua giai đoạn đầy thách thức do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đã khiến lạm phát tại khu vực đồng euro tăng cao kỷ lục, gây áp lực lên các doanh nghiệp và hộ gia đình. EC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực từ 2,8% xuống 2,3%.

EC cảnh báo xung đột tại Ukraine diễn biến khó lường và nguy cơ lạm phát kèm suy thoái có thể xảy ra trong tương lai. Đặc biệt nếu Nga – nhà cung cấp năng lượng chủ chốt cho EU cắt toàn bộ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, các kịch bản dự báo sẽ còn thay đổi, có thể còn tồi tệ hơn nữa.

Hoàng Quyên