Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành - Nhìn từ diễn biến giá cổ phiếu

Cập nhật: 09:38 | 06/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Du lịch với đặc thù là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: Vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống... và đại dịch COVID-19 xuất hiện đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành cũng gặp khó, đồng thời cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch cũng đang chịu những tác động khác nhau, từ bối cảnh chung của thị trường chứng khoán và từ dịch COVID-19.

Cơn "địa chấn" mang tên COVID-19

Theo Tổng cục Du lịch (TCDL), năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao 22,7%. Thành tựu và nỗ lực của của du lịch Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Với đà tăng trưởng của năm năm trước, bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 2 đã lập tức ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

2820-hy-gyym
Hồ Hoàn Kiếm - Điểm du lịch nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội vắng vẻ do dịch COVID-19.

Bước sáng năm 2021, ngành du lịch tiếp tục phải tìm cách vượt bão COVID-19, mới nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4 vừa qua. Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến nước ta tháng 5/2021 đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khách đến từ các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt gần 34,1 nghìn lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 16,9 nghìn lượt người, giảm 97,9%; Đài Loan 6,2 nghìn lượt người, giảm 96,8%; Lào 4,3 nghìn lượt người, giảm 88,5%; Nhật Bản đạt gần 4,2 nghìn lượt người, giảm 97,9%. Khách đến từ châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 6,1 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Mỹ đạt gần 2,2 nghìn lượt người, giảm 99,1%; khách đến từ châu Úc đạt 590 lượt người, giảm 99,4%; khách đến từ châu Phi đạt 590 lượt người, giảm 95,1%.

Cổ phiếu ngành du lịch tăng ít, giảm nhiều

Ngành Du lịch bị ảnh hưởng, khiến nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó. Đồng thời, cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch cũng đang chịu những tác động khác nhau, từ bối cảnh chung của thị trường chứng khoán và từ dịch COVID-19.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại diễn biến cổ phiếu một số doanh nghiệp ngành Du lịch trong khoảng thời gian từ 31/01/2020 (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu về đại dịch COVID-19) đến phiên giao dịch cuối cùng tháng 5/2021.

Mội trong những cổ phiếu có mức giảm lớn nhất là VTR của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel. Thị giá của VTR giảm tới 37% từ mức 48.900 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 31/3/2020) xuống còn 30.900 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 31/5/2021).

Theo báo cáo tài chính, năm 2020, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) phải đối mặt với áp lực lớn của đại dịch COVID-19, doanh thu giảm đến 80% so với cùng kỳ đạt 1.518 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 99 tỷ đồng.

Năm 2021, Vietravel đặt mục tiêu phục vụ hơn 682.000 lượt khách, doanh thu 6.243 tỷ đồng, lãi gộp 379 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này lần lượt tăng 196%, 411% và 153% so với năm ngoái. Tuy nhiên, Vietravel chỉ đặt kế hoạch lãi trước thuế 10 tỷ đồng.

Thế nhưng, ngay quý 1/2021, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 277 tỷ đồng, giảm gần 65% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp giảm đến 81% so với quý 1 năm ngoái xuống còn 5,8 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Vietravel lỗ ròng 72,8 tỷ đồng, tương đương với 74% khoản lỗ của cả năm 2020 (gần 99 tỷ đồng).

Vietravel còn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt 250 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn thời điểm cuối tháng 3. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm hơn 31 tỷ đồng.

Nhiều mã khác của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên thị trường cũng chịu tác động mạnh ghi nhận mức giảm từ 39% trở lên như VNG, HOT, TCT, VNG.

Tính theo mức giá đóng cửa, cổ phiếu DSN của CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) ghi nhận mức giảm 26% trong khoảng thời gian này.

Quý I/2020, kết quả kinh doanh của Công viên nước Đầm Sen đã lao dốc ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên ở Việt Nam và tiếp tục trượt dốc trong quý đầu năm nay. Mức doanh thu và lợi nhuận quý I/2021 cũng ghi nhận mức thấp nhất so với quý I của chục năm trở về đây.

3030-du-lych-123
Biến động giá của một số cổ phiếu doanh nghiệp ngành Du lịch. (Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu Cafef)

Thị trường chứng khoán luôn được coi là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, tức những diễn biến trên thị trường chứng khoán có thể phản ánh những thay đổi của nền kinh tế. Với việc thị giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều giảm mạnh, thì chúng ta có thể hiểu ngành du lịch đã bị tác động khủng khiếp như thế nào bởi đại dịch COVID-19.

Ứng phó COVID-19 và phục hồi hoạt động du lịch

Từ năm 2020 đến nay, có 4 lần dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong cộng đồng đều vào thời kỳ cao điểm du lịch khiến ngành “công nghiệp không khói” lao đao. Cứ mỗi lần dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng là các dịch vụ du lịch phải dừng hoạt động.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2021.

Về phía doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị cũng đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi hoạt động du lịch.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp Thị Công ty du lịch Vietravel cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng thời điểm này, Vietravel đã chủ động ngưng các tour đến các địa phương có ca bệnh, đồng thời có những chính sách tốt hỗ trợ khách hàng. Thời gian tạm ngưng dự kiến đến khi tình hình dịch bệnh các địa điểm này được kiểm soát tốt.

Hiện tại, để chuẩn bị đón khách khi dịch được kiểm soát Vietravel đang tập trung vào việc phục vụ cho các nhóm khách nhỏ, đi riêng lẻ với loại hình sản phẩm: gói dịch vụ (bao gồm xe/vé máy bay và khách sạn), dòng sản phẩm Caravanl (du lịch bằng xe riêng).

Vietravel đang nghiên cứu xây dựng những gói sản phẩm mới lạ, độc đáo như: tour Trekking, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe (detox & wellness), du lịch theo đoàn riêng cho nhóm khách gia đình... hay tiêu biểu như dòng sản phẩm luxury dành cho khách cao cấp. Các điểm đến đưa vào phục vụ cũng tập trung vào các vùng an toàn, tránh qua các vùng có ca bệnh… Vietravel cũng mong muốn Chính phủ, các bộ ngành có chính sách giảm chi phí dịch vụ điện, nước, giảm các mức thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuế đất của doanh nghiệp lữ hành cũng như hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn ngân hàng.

3312-covid-1
Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An.

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, CEO Công ty du lịch Golden Tour cho biết, sự bùng phát của làn sóng COVID-19 ngay trước thềm mùa du lịch dịp Hè 2021, các địa phương hạn chế thăm quan du lịch, chắc chắn gây thiệt hại lớn đến các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi các công ty vừa dồn lực đầu tư kích cầu năm 2021 lại tiếp tục tồn đọng số tiền lớn tại hãng hàng không, khách sạn. Nhân sự một số doanh nghiệp và khách sạn mới được đi làm trở lại khó có thể tiếp tục trụ với nghề. Nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài và không được kiểm soát lây nhiễm cộng đồng chắc chắn sẽ ảnh hưởng kéo dài đến tâm lý của du khách đặc biệt các đoàn khách đã phải hoãn hủy từ năm 2020.

Ông Phạm Tiến Dũng đề xuất, Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ ngành du lịch như có giả pháp tiếp sức cho các hãng hàng không và khách sạn, giao thông để tiếp tục kích cầu du lịch thời gian tới; tiếp tục có biện pháp chỉ đạo các hãng hàng không nước ngoài hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp do không được cấp lịch bay. Ông Dũng cũng đề nghị tùy theo diễn biến dịch bệnh có thể có thêm kỳ nghỉ Hè hoặc kéo dài kỳ nghỉ để kích cầu du lịch. Bên cạnh việc tăng cường phòng, chống dịch, ông Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng nội dung, quảng bá và thông tin về điểm đến an toàn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Phương Thảo