8 năm không lương hưu, một cụ ông sững sờ khi đọc tên mình trong một bản án
Suốt 8 năm, một cụ ông không hề hay biết hơn 6 tỷ đồng tiền lương hưu của mình đã âm thầm bị rút sạch.
Tin tưởng con, cụ ông giao phó toàn bộ tài khoản lương hưu
Một cụ ông 78 tuổi tại Úc đã bị chính con trai ruột chiếm đoạt toàn bộ khoản lương hưu và nhiều tài sản cá nhân trong suốt 8 năm mà không hề hay biết. Chỉ đến khi cái tên của ông xuất hiện trong một bản án hình sự được công bố trên báo chí, toàn bộ sự thật mới dần được hé lộ.

Câu chuyện đau lòng này đang làm dấy lên làn sóng tranh cãi gay gắt tại Úc về trách nhiệm của hệ thống phúc lợi xã hội đối với người cao tuổi và những rủi ro trong việc quản lý tiền lương hưu thông qua các nền tảng số.
Ông Ray Baird, một người dân tại thành phố Melbourne, nghỉ hưu ở tuổi 65 sau hơn 40 năm làm nghề đánh bóng đồ gỗ thủ công. Không thành thạo công nghệ, ông đã nhờ con trai là Peter Baird giúp thiết lập tài khoản MyGov – nền tảng trực tuyến của chính phủ Úc – để đăng ký nhận lương hưu từ cơ quan phúc lợi xã hội Centrelink.
Kể từ thời điểm đó, toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng và quyền truy cập dịch vụ trực tuyến đều nằm trong tay Peter. Không lâu sau, người con trai đã âm thầm thay đổi thông tin nhận lương hưu, chuyển toàn bộ khoản trợ cấp hàng tháng vào tài khoản cá nhân của mình. Ông Ray, hoàn toàn không biết điều này, vẫn tin rằng mọi quyền lợi đang được con trai “giúp quản lý”.
Suốt 8 năm, ông Ray sống mà không nhận được đồng lương hưu nào từ chính phủ. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 230.000 đô la Úc (tương đương hơn 6 tỷ đồng Việt Nam), trong đó khoảng 152.000 đô là tiền lương hưu, số còn lại là các khoản nợ và tín dụng do Peter đứng tên cha để vay.
Màn kịch kéo dài nhiều năm
Để che giấu hành vi gian lận, Peter dựng nên một kịch bản tinh vi. Anh ta viết thư giả danh Thủ hiến bang Victoria, thực hiện nhiều cuộc gọi mạo danh các nghị sĩ và thanh tra tài chính để trấn an cha về việc “hệ thống đang xử lý chậm” và “tiền lương hưu sẽ được chuyển sớm”.
Nhiều lần ông Ray định trực tiếp đến ngân hàng hoặc văn phòng Centrelink để hỏi cho rõ, nhưng mỗi khi như vậy, Peter lại ngăn cản, khuyên cha "đừng làm rối thêm". Những cuộc gọi giả danh được Peter thực hiện đều đặn suốt 5 năm, khiến cụ ông hoàn toàn tin tưởng vào những lời giải thích mơ hồ.
“Tôi từng hỏi nó, có vấn đề gì không với tài khoản ngân hàng thì cứ nói ra để cha con cùng xử lý. Nó thề thốt đủ điều, thậm chí lấy danh mẹ ra để thề rằng không có chuyện gì cả”, ông Ray chia sẻ. "Nhưng tôi thật sự không biết phải làm gì, tôi nghĩ mình chỉ đang gặp trục trặc nhỏ với hệ thống".
Mọi chuyện chỉ được sáng tỏ khi vào năm 2020, Peter Baird bị kết án tù vì 18 hành vi lừa đảo khác, không liên quan đến cha mình. Trong bản án có đề cập đến tên ông Ray, từ đó gia đình bắt đầu điều tra.
Ông Ray gọi điện đến văn phòng một nghị sĩ – người mà ông tin rằng đã "trò chuyện với ông suốt nhiều năm" – thì được xác nhận rằng vị nghị sĩ ấy chưa từng biết đến sự tồn tại của ông. Cùng với con gái, ông Ray lần ra toàn bộ sự thật: tất cả các cuộc gọi trước đó đều do Peter giả mạo.
Với sự hỗ trợ của cảnh sát, Peter bị truy tố về tội lừa đảo chính cha mình. Năm 2023, Tòa án tuyên phạt anh ta 4 năm tù giam. Trong bản án, thẩm phán gọi hành vi của Peter là “phi đạo đức”, “không thể chấp nhận”, và hoàn toàn không có lý do gì để bào chữa, bởi anh ta có một tuổi thơ đầy đủ, học vấn tốt, không nghiện ngập hay cờ bạc.
8 năm sống trong nghèo khó và xấu hổ
Không có lương hưu, ông Ray phải sống nhờ vào thu nhập ít ỏi từ công việc vặt và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ – người làm việc bảy ngày mỗi tuần để duy trì cuộc sống gia đình. Ông Ray nhặt đồ cũ từ đường phố về sửa rồi bán lại qua mạng để kiếm thêm tiền. Vào mùa hè, ông nhận làm trọng tài các trận đấu cricket để có thêm thu nhập. Mùa đông thì khổ hơn vì không có tiền sưởi ấm.
Trớ trêu thay, Peter thỉnh thoảng còn đưa cho cha một khoản tiền nhỏ – thực chất chính là tiền ông Ray bị anh ta chiếm đoạt – để ông có thể đi chơi cùng bạn bè hay chi tiêu những khoản vặt.
Tình trạng kéo dài khiến ông Ray rơi vào khủng hoảng tinh thần: mất ngủ, lo âu, trầm cảm và tự cô lập bản thân vì xấu hổ. Mối quan hệ với con gái từng rạn nứt vì ông không tin lời cô, nhưng sau khi sự thật được phơi bày, hai cha con đã hàn gắn và cùng nhau vượt qua hậu quả tài chính.
Sau khi sự việc bị vạch trần, ông Ray gửi đơn khiếu nại lên cơ quan Centrelink, yêu cầu bồi thường vì sơ suất trong việc xác minh tài khoản nhận lương hưu. Tuy nhiên, đơn bị bác bỏ. Cơ quan này khẳng định rằng hệ thống của họ chỉ yêu cầu xác thực bằng tài khoản và mật khẩu, và không có quy trình đối chiếu tên người thụ hưởng thực sự.
Các chuyên gia luật và bảo vệ người cao tuổi tại Úc cho rằng đây là một lỗ hổng nghiêm trọng. Họ nhấn mạnh rằng khi thay đổi thông tin tài khoản nhận lương hưu, cần phải có bước xác minh độc lập từ chính chủ tài khoản – đặc biệt trong trường hợp người cao tuổi nhờ người thân hỗ trợ thao tác kỹ thuật.
Báo cáo năm 2021 của chính phủ Úc cho thấy, cứ sáu người trên 65 tuổi thì có một người từng bị lạm dụng – trong đó, lạm dụng tài chính là phổ biến nhất, và thủ phạm thường là người trong gia đình.
Các tổ chức bảo vệ quyền người cao tuổi đang kêu gọi cải tổ toàn diện hệ thống phúc lợi, tăng cường xác minh bảo mật, áp dụng xác thực hai bước và có nhân viên hỗ trợ trực tiếp cho nhóm dân số dễ bị tổn thương này.
Trong cuộc trò chuyện với truyền thông, ông Ray nghẹn ngào: “Bạn nghe chuyện người khác bị con cái lừa thì đã thấy đau lòng rồi. Nhưng khi điều đó xảy ra với chính con mình, thì không có nỗi đau nào tệ hơn thế”. Ông cho biết việc kể lại câu chuyện này là cách để ông đối diện, giải tỏa và quan trọng hơn – là để cảnh báo những người cao tuổi khác cảnh giác hơn với các nguy cơ tài chính đến từ chính những người thân thiết nhất.