10 cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán giờ ra sao?

Cập nhật: 15:29 | 02/02/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, những cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên thị trường đã đi theo những lối rẽ khác nhau. Có cổ phiếu trở thành bluechip, nhưng cũng có cổ phiếu phải… dứt áo ra đi.

10 co phieu niem yet dau tien tren thi truong chung khoan gio ra sao

Chứng khoán Âu-Mỹ diễn biến trái chiều trước quan ngại vì virus corona

10 co phieu niem yet dau tien tren thi truong chung khoan gio ra sao

“Chứng khoán Việt Nam sau 20 năm hoạt động ngày càng phát triển”

Ngày 28/7/2000 đã đánh dấu bước đi đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi chính thức giao dịch với chỉ 2 cổ phiếu. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, số lượng cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HSX) đã đạt con số 466. Những ngày đầu hoạt động, số lượng cổ phiếu niêm yết là rất ít. Do đó, những cổ phiếu này luôn tạo ra dấu ấn khó phai trong tâm trí nhà đầu tư gắn bó lâu năm với thị trường.

Dưới đây là 10 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên HSX cũng như TTCK Việt Nam sau gần 20 năm hình thành và phát triển, mỗi cổ phiếu trong số đó đã đi theo một lối rẽ khác nhau.

10 co phieu niem yet dau tien tren thi truong chung khoan gio ra sao
10 cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam.

SAM-REE: 2 cổ phiếu giao dịch đầu tiên

Khi nhắc tới TTCK Việt Nam không thể không nhắc đến SAM - CTCP Đầu tư phát triển Sacom (Đổi tên thành CTCP SAM Holdings) và REE- CTCP Cơ điện lạnh, 2 cổ phiếu giao dịch đầu tiên trên thị trường vào ngày 28/7/2000. Trong những năm đầu tiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết còn ít, SAM và REE được coi là 2 cổ phiếu “số má” nhất trên thị trường.

Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, REE dù không còn là cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới thị trường như trước nhưng vẫn khẳng định được vị thế lớn của mình. Những hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nước… đang là hướng đi mới, bên cạnh lĩnh vực cơ điện lạnh truyền thống.

Còn với SAM, sau những quyết định kinh doanh đa ngành đã khiến kết quả kinh doanh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cổ phiếu SAM tuy rằng không còn sức ảnh hưởng như trước nhưng vẫn được nhà đầu tư ưa thích với tính thanh khoản cao.

HAP-TMS: Đi đầu và liên tục đổi mới

Đây là 2 cổ phiếu tiếp theo giao dịch trên thị trường chứng khoán vào ngày 4/8/2000. Là một trong những cổ phiếu niêm yết sớm nhất trên thị trường, HAP - Hapaco (trước đây là Giấy Hải Phòng) từng một thời được coi là “bluechip” với những đợt sóng diễn ra khá mạnh. Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập. Hapaco một lần nữa chọn cách đi đầu, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc, một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên của cả nước mở cửa thị trường chứng khoán non trẻ. HAP xuất hiện cùng REE và SAM trên bảng điện tử… “Đây là quyết định khiến tôi hài lòng nhất trong sự nghiệp của mình”, ông Vũ Dương Hiền CEO Tập đoàn Hapaco chia sẻ. Nhờ gia nhập thị trường chứng khoán, tổng số vốn của Hapaco đã tăng từ 10 tỷ đồng lên hơn 500 tỷ đồng chỉ sau gần 20 năm hoạt động.

Hapaco ngày nào đã trở thành tập đoàn với 12 đơn vị thành viên trong nước, 2 đơn vị hoạt động ở nước ngoài và 4 đơn vị liên kết, kinh doanh đa dạng trên các lĩnh vực đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ, sản xuất công nghiệp, bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện…; doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động...

Cũng lên sàn cùng ngày với HAP, TMS - Transimex Saigon luôn giữ được mức tăng trưởng tốt với doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Việc tập trung vào lĩnh vực logistic, không dàn trải là một phần nguyên nhân khiến TMS đạt được kết quả kinh doanh (KQKD) ấn tượng như vậy. Với việc liên tục phát triển đổi mới, TMS đã có tên nằm trong Top 10 Doanh nghiệp vận tải và logistics uy tín năm 2019 nhóm ngành giao nhận, kho bãi và chuyển phát…

LAF: Vượt khó tiến lên

Kể từ khi niêm yết trên TTCK (15/12/2000) cho tới nay, kết quả kinh doanh của LAF - CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) khá trồi sụt. Năm 2012 doanh nghiệp lỗ tới 152 tỷ đồng. Việc phụ thuộc nhiều vào giá điều thô, chính sách nhập khẩu điều không hợp lý khiến KQKD công ty không đạt như mong muốn.

Năm 2018, Lafooco lỗ hơn 63 tỷ đồng do quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ với trọng tâm chuyển dịch sang sản phẩm điều chế biến giá trị gia tăng chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro giá nguyên liệu biến động. Đến năm 2019, Lafooco đã lãi quý thứ 3 liên tiếp với lợi nhuận gộp hơn 10 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 11 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Cộng thêm chi phí tài chính trong kỳ giảm mạnh 60% đã giúp doanh nghiệp báo lãi 4,6 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ 17 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi thứ 3 liên tiếp của công ty thành viên thuộc The PAN Group.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Lafooco ghi nhận doanh thu giảm 21% còn 274 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động cốt lõi hiệu quả hơn giúp công ty có lợi nhuận gộp 28 tỷ đồng và qua đó báo lãi 10 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 45 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu LAF hiện đang quanh vùng 9.100 đồng/cp và đang phấn đấu để tìm lại giá đỉnh cao đạt được trong những năm đầu niêm yết.

BBC: Giữa vòng xoáy quyền lực

Sở hữu thương hiệu bánh kẹo hàng đầu Việt Nam là Bibica nên CTCP Bibica (BBC) luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các tổ chức trong và ngoài nước. BBC niêm yết trên HOSE (19/12/2001), với giá tham chiếu 27.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch ngày 3/10/2007, BBC xác lập đỉnh 110.000 đồng/CP. Sau giai đoạn thăng hoa, BBC bị bán ra mạnh và lùi về gần mốc 10.000 đồng/CP trong 2 năm 2008-2009.

Sau gần 10 năm giao dịch trồi sụt quanh mệnh giá, BBC bất ngờ có đợt sóng tăng và thiết lập đỉnh lịch sử 120.000 đồng/cp trong phiên giao dịch 14/2/2017. Sau mức đỉnh này, cổ phiếu BBC điều chỉnh giảm nhưng vẫn duy trì giao dịch ở mức giá ở mức 60.000 đồng/cp tại thời điểm tháng 12 năm 2019. Điều đáng nói, việc BBC giữ được ở mức giá cao không đến từ kết quả kinh doanh, mà xuất phát từ các cuộc đua thu gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn nhất là CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food) và Lotte Confectionnery Co.Ltd (Lotte). Bất đồng giữa 2 cổ đông lớn PAN Food và Lotte bắt đầu bùng phát từ Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018. Do lo ngại bị Lotte thâu tóm, nhiều cổ đông nội bộ tại BBC đã quyết định bán 35% cổ phần cho PAN Food. Đến năm 2017, BBC chính thức trở thành công ty con của PAN Food.

Tại ĐHCĐ thường niên 2019 vừa qua, khi BBC đã chính thức trở thành công ty con của PAN Food, kế hoạch kinh doanh 2019 dễ dàng được thông qua do nhóm cổ đông Lotte không đưa ra ý kiến. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019 dự kiến đạt 1.600 tỷ đồng (tăng 12,5%) và 110 tỷ đồng (tương đương 2018).

TRI: Kết thúc buồn của một thương hiệu Việt

Chính thức giao dịch trên TTCK vào ngày 28/12/2001, từng là thương hiệu lớn trong ngành giải khát, Tribeco - (TRI) liên tục được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên sau những sai lầm trong chiến lược hợp tác kinh doanh với Kinh Đô, đặc biệt là đối tác ngoại Uni-President đã khiến liên tục chìm trong thua lỗ.

Theo thống kê, nợ phải trả (phần lớn là vay ngắn hạn) của TRI tăng từ 89 tỷ đồng năm 2005 lên 150 tỷ đồng năm 2006 và xấp xỉ 500 tỷ đồng vào năm 2007. Gánh nặng lãi vay chính là nguyên nhân khiến TRI lần đầu nếm mùi thua lỗ trong năm 2008. Thời điểm cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu của TRI âm 5 tỷ đồng, đặc biệt tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn lên gần 99%.

Liên tiếp trong 2 năm 2010, 2011, TRI phải bán đi 2 nhà máy này để trả nợ vay. Đến cuối 2011, lỗ lũy kế của TRI lên đến 312 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 26 tỷ đồng. Cũng thời điểm này, Kinh Đô quyết định rút lui khỏi TRI.

Trong những thời khắc khó khăn này, ban lãnh đạo của TRI, với sự góp mặt của các đại diện đến từ các nhà đầu tư chiến lược, lại mắc nhiều quyết định sai lầm trong điều hành. Chẳng hạn, thay vì quảng cáo trước sau đó lập kênh phân phối bán hàng, TRI lại xác định gây dựng kênh phân phối rồi mới đẩy mạnh marketing sản phẩm. Điều đáng nói, ở thời điểm này các đối thủ cạnh tranh của TRI đã vươn lên khá mạnh mẽ nhờ các hoạt động marketing rầm rộ.

Thua lỗ lớn trong năm 2008 và khủng hoảng xảy ra khiến TRI không dám mạo hiểm thay đổi chiến lược, trong khi hệ thống phân phối lập nửa chừng. Đặc biệt, sự khác biệt trong cách thức quản lý của các ông chủ đến từ Đài Loan sau khi Kinh Đô rút lui đã khiến TRI không đạt được sự đồng thuận trong các quyết định đầu tư.

Điều này khiến hàng loạt cán bộ giỏi xin nghỉ, hệ thống phân phối không được mở rộng, thị trường ngày càng thu hẹp. Đến tháng 8-2012, TRI tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua tờ trình giải thể doanh nghiệp và hủy niêm yết Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thời điểm đó, nếu HĐQT không chủ động hủy niêm yết TRI vẫn bị hủy niêm yết bắt buộc do vốn chủ sở hữu âm. Với tuyên bố giải thể doanh nghiệp, hơn 27,5 triệu CP TRI cũng chính thức bị hủy niêm yết trên HOSE kể từ ngày 10-4-2012. Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, TRI sẽ mua lại cổ phần từ các NĐT với mức giá 2.300 đồng/CP, tính theo giá bình quân 60 ngày giao dịch gần nhất. Sau quyết định giải thể, mọi hoạt động của TRI đã được chuyển sang cho Tribeco Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài được sở hữu bởi Uni President). Điều này đồng nghĩa thương hiệu Tribeco sau 20 năm gầy dựng chính thức về tay đối tác ngoại. Trên thị trường nước giải khát, Tribeco là kết thúc buồn đối với thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Còn trên TTCK, TRI là ký ức buồn của những mã CK đầu tiên niêm yết trên HOSE. Dù chỉ giao dịch hơn 11 năm, nhưng TRI đã để lại nhiều cảm xúc đối với không ít NĐT, đặc biệt những NĐT đầu tiên tham gia TTCK.

GIL: Đa dạng hóa kinh doanh

Vào ngày 2/1/2002, Gilimex đã có tên niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM với mã chứng khoán GIL, khẳng định những hiệu quả kinh doanh đạt được hoàn toàn đến từ nỗ lực phát triển của tập thể, sự nhạy bén của một tinh thần đổi mới và tính sáng tạo trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất Nhập khẩu Bình Thạnh giữ vị thế hàng đầu trong ngành may và dệt gia dụng ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của Gilimex là sản xuất balo, túi xách và kể từ khi niêm yết, GIL luôn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khá tốt.

Mới đây, GIL đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua việc đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài 4. Gilimex dự kiến đầu tư dự án KCN Phú Bài 4 với vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng, Công ty sẽ bỏ 500 tỷ vốn tự có, 2.500 tỷ còn lại huy động từ ngân hàng cũng như nhà đầu tư thứ cấp.

BT6: Nạn nhân các thương vụ thâu tóm

Là 1 trong 10 mã CK đầu tiên niêm yết trên TTCK, nhưng số phận của BT6 (CTCP Beton 6) lại hết sức bi đát, khi CP bị hạn chế giao dịch và giá hiện chỉ còn hơn 1.000 đồng/cp. Đây là kết quả của những thương vụ thâu tóm và nỗ lực tái cơ cấu bất thành.

BT6 chính thức niêm yết CP trên HOSE phiên giao dịch ngày 18/4/2002, với giá tham chiếu 23.500 đồng/CP. Thời hoàng kim của mã BT6 là năm 2014, khi giá CP tăng lên gần chạm mốc 80.000 đồng/CP nhờ kết quả kinh doanh cực kỳ khởi sắc ở thời điểm này. Thế nhưng đến cuối năm 2015, BT6 bất ngờ công bố hủy niêm yết với lý do tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc HĐQT công bố tờ trình hủy niêm yết tại ĐHCĐ thường niên 2015, đã khiến cổ đông rất ngạc nhiên, bởi doanh nghiệp này vẫn đang làm ăn có hiệu quả.

Đến ngày 6/3/2017, BT6 niêm yết trở lại trên sàn UPCOM với giá tham chiếu 9.000 đồng/CP. Thế nhưng, kỳ vọng về sự hồi phục sau thời gian hủy niêm yết đã không thành hiện thực. BT6 không ngừng lao dốc và thời điểm hiện tại (12/2019) đang giao dịch ở mức giá 1.500 đồng/CP. Không chỉ phá đáy, BT6 liên tục bị UBCKNN phạt tiền, trong khi HNX đưa vào “danh sách đen” do vi phạm công bố thông tin, như nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, tạm ngưng giao dịch trên hệ thống.

GMD: Tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 22/4/2002, sau khoảng thời gian này GMD đã từng có thời “hâm nóng” thị trường trong giai đoạn 2006- 2007. Là doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải, logistic, Gemadept đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ các mảng khai thác cảng, vận tải biển,…

Tuy nhiên, bước ngoặt đến với Gemadept vào giai đoạn 2010 khi quyết định đầu tư dàn trải sang lĩnh vực bất động sản, cao su. Khi thị trường diễn biến bất lợi, kết quả kinh doanh Gemadept đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2010 - 2011.

Sau giai đoạn này, Gemadept đã quyết định thoái vốn khỏi những lĩnh vực ngoài ngành, tập trung sâu vào lĩnh vực logistic và KQKD của doanh nghiệp đã phục hồi trở lại trong những năm gần đây. Theo BCTC hợp nhất quý 3/2019, Gemadept với doanh thu thuần đạt 697,7 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 282,6 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 40,5%.

Quý 3/2019, Gemadept ghi nhận lãi sau thuế 199,7 tỷ đồng, tăng 15,4% so với lợi nhuận đạt được quý 3 năm ngoái. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 162 tỷ đồng. Hiện tại, GMD là cổ phiếu đầu ngành logistic đang niêm yết với vốn hóa thị trường hơn 7.000 tỷ đồng.

10 co phieu niem yet dau tien tren thi truong chung khoan gio ra sao Chứng khoán Âu-Mỹ diễn biến trái chiều trước quan ngại vì virus corona

Các thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu diễn biến trái chiều khi các nhà đầu tư quan ngại về sự bùng phát ...

10 co phieu niem yet dau tien tren thi truong chung khoan gio ra sao “Chứng khoán Việt Nam sau 20 năm hoạt động ngày càng phát triển”

TBCKVN - Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam về mốc 20 năm xây dựng và phát triển của ...

PV

Tin liên quan