Xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 18% nhờ EVFTA

Cập nhật: 09:04 | 21/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ Công Thương, sau một năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tình hình xuất nhập khẩu giữa hai bên có những tăng trưởng tích cực.

Giá cà phê hôm nay 21/7/2021: Bật tăng mạnh mẽ

Xuất khẩu thép nửa đầu năm 2021 tăng gần 85%

Thị trường gạo quý II/2021: Xuất khẩu giảm mạnh do dịch bệnh phức tạp

Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm đạt gần 28 tỷ USD, tăng 18,5% so với tháng 6/2020, khi Hiệp định EVFTA chưa có hiệu lực.

Trong đó xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 19,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, cà phê, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ EU về Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng, linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.

0326-xuatkhauhanghoa1
Ảnh minh họa

Thực tế, chỉ 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể như xuất khẩu sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD, tăng 57%; rau quả đạt 64 triệu USD, tăng 12,5%; gạo đạt 5,2 triệu USD, tăng 4%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD, tăng 34%.

Trước đó, nhiều chuỗi doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó trong chuỗi logictics. Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe và kinh tế toàn cầu. Để ứng phó với dịch bệnh, các quốc gia đã phải tiến hành giãn cách xã hội.

Các biện pháp này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, thông quan… làm cho tình trạng hàng hóa muốn xuất hay nhập về đều rất khó khăn do thiếu container rỗng, cước phí vận tải biển tăng cao để bù đắp cho khoản chi phí phát sinh trước đó khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khó thêm khó.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả container hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi tháng sau so với tháng trước và gấp gần 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Cụ thể, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, tháng 12/2020 là 5.000 USD/cont, nhưng đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/cont.

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont, tháng 12/2020 là 4.000 USD/cont và đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont.

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont 20feet thì tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont 20feet (hãng tàu Hapag Lloyd, Evergreen) đến 7.000 USD/cont 20feet (hãng tàu Zim), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont 20feet.

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi cảng Klaipeda (cảng biển duy nhất của Litva) thì trước đây chỉ là từ 2.100 - 2.300 USD/cont 20feet thì đến tháng 1/2021 đã lên đến 8.000 USD/cont 20feet.

Đồng thời, ngay cả cước phí vận tải biển đi từ các nước khác cũng đang tăng cao kỷ lục. Theo đó, phí vận chuyển một container 40feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan) ngày 27/5/2021 đã đạt mức 10.174 USD, cao hơn 3,1% so với trước đó 1 tuần và tăng 485% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá tổng hợp của 8 tuyến đường vận tải biển chính trên thế giới cũng đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến các nhà xuất nhập khẩu rơi vào tình cảnh khó khăn. Ở Mỹ và nhiều nơi khác trong năm nay, nhiều chủ hàng đã phải trả mức phí hơn 10.000 USD cho mỗi container hàng xuất khẩu.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải "cắn răng", "bấm bụng" để có thể thuê được container rỗng để xuất hàng theo đơn đã nhận.

Bởi việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp.

Đồng thời, làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng.

Nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục trễ chuyến, hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn từ 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày) gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu chậm, hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội", đại diện VASEP chia sẻ.

Thu Uyên