Kiến thức

Việt Nam có thể tiết kiệm hàng tỷ USD nếu chuyển đổi sang xe điện

Thu Sa 14/07/2025 15:30

Việc đẩy mạnh chuyển đổi từ xe chạy xăng/dầu sang xe điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí thiệt hại do ô nhiễm không khí, theo World Bank.

xe điện Vinfast
Xe điện trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều cá nhân, gia đình

Xe điện không chỉ là xu hướng mà là bài toán kinh tế dài hạn

Ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường đáng lo ngại tại các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố thường xuyên lọt top ô nhiễm nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, điện hóa giao thông không chỉ là bước đi bảo vệ môi trường, mà còn là lời giải kinh tế bền vững cho Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc đẩy mạnh chuyển đổi từ xe chạy xăng/dầu sang xe điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm tới 6,4 tỷ USD chi phí thiệt hại do ô nhiễm không khí vào năm 2050. Con số này là kết quả của việc giảm bụi mịn PM2.5 – loại hạt nguy hiểm có thể thâm nhập vào phổi, gây nên hàng loạt bệnh lý hô hấp và tim mạch.

Không chỉ tiết kiệm chi phí môi trường, việc chuyển đổi còn giúp giảm mạnh sự lệ thuộc vào nhập khẩu dầu, đồng thời tiết kiệm tới 498 tỷ USD cho nền kinh tế trong giai đoạn 2024–2050. Ngoài ra, ngành công nghiệp xe điện (EV) được kỳ vọng tạo ra đến 6,5 triệu việc làm mới, từ sản xuất linh kiện đến bảo trì và sửa chữa.

Đặc biệt, theo nghiên cứu “Clean Air for Hanoi” của WB, giao thông đường bộ là nguồn phát thải chiếm đến 25% lượng bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội – đáng báo động hơn khi phần lớn lượng xe hiện tại vẫn dùng động cơ đốt trong.

Cần hành động mạnh mẽ hơn

Hiện cả nước đang có khoảng 80,6 triệu phương tiện giao thông, trong đó phần lớn là xe máy (chiếm tới 92%) và hơn 6,3 triệu ô tô, phần lớn chạy bằng xăng/dầu. Đây chính là những “trạm phát thải di động” liên tục hoạt động, khiến chất lượng không khí ở các đô thị lớn trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Theo thống kê, các phương tiện vận tải đường bộ đóng góp khoảng 85% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông. Trong đó, xe tải, dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng, lại gây ra tới 56% phát thải, tiếp theo là xe máy (28%), xe buýt và xe khách liên tỉnh (11%), ô tô con (6%). Hầu hết các xe tải này có tuổi đời cao, tiêu hao nhiên liệu nhiều và sử dụng công nghệ cũ, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Trước bối cảnh đó, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu hành động. Cả hai thành phố đều đã ban hành kế hoạch hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, một bước đi quan trọng trong lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, kế hoạch cần sớm được cụ thể hóa bằng các chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện, đầu tư hạ tầng trạm sạc, và hỗ trợ người dân tiếp cận xe điện. Nếu thành công, Việt Nam không chỉ giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn đi trước trong cuộc đua công nghệ giao thông xanh, một ngành được dự đoán sẽ là trụ cột kinh tế trong tương lai.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Việt Nam có thể tiết kiệm hàng tỷ USD nếu chuyển đổi sang xe điện
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO