Từ tỉnh Hà Tĩnh, du khách qua con đèo độc nhất này là sang tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập
Sau sáp nhập, vượt qua con đèo độc nhất này từ Hà Tĩnh sẽ không còn dẫn đến vùng đất quen thuộc xưa, mà đưa du khách thẳng vào tỉnh Quảng Trị mới.
Cửa ngõ vào “siêu tỉnh” miền Trung mới
Trước kia, khi nhắc đến Đèo Ngang, người ta nghĩ ngay đến mảnh đất Quảng Bình đầy nắng gió, nơi bắt đầu của dải đất miền Trung khắc nghiệt. Đèo Ngang – đoạn đèo hiểm yếu nhất thuộc dãy Hoành Sơn, không chỉ là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, mà còn là chứng nhân cho nhiều biến động lịch sử.

Với độ cao 256m, dài 6km, địa hình quanh co, đèo từng là tuyến giao thông huyết mạch, chốt chặn chiến lược của đất nước. Từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, rồi đến triều Nguyễn, đèo Ngang luôn được xem là “cửa ngõ phía Bắc” vào kinh thành Huế. Minh chứng rõ nhất là Hoành Sơn Quan, tòa vọng lâu cổ kính nằm chót vót trên đỉnh đèo, do vua Minh Mạng cho xây dựng từ năm 1833 để kiểm soát người và hàng hóa đi lại giữa hai miền.
Không chỉ là điểm địa lý quan trọng, Đèo Ngang còn đi vào thi ca với áng thơ bất hủ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Hình ảnh “bóng xế tà, ngàn lau trắng xóa” khiến nơi đây không chỉ là chốn hiểm yếu mà còn trở thành biểu tượng của nỗi nhớ, của tâm trạng người xa xứ.
Và kể từ 1/7/2025, khi tỉnh Quảng Trị mới được thành lập (trên cơ sở sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị cũ), hành trình vượt Đèo Ngang cũng mở ra một chương mới: vượt “cổng trời” là sang đất Quảng Trị, không còn là Quảng Bình như xưa.
Xã Phú Trạch – điểm dừng đầu tiên khi vượt đèo, nơi có mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau khi vượt đỉnh Đèo Ngang, du khách sẽ chạm tới xã Phú Trạch, một phần đất mới thuộc tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập. Trước đây, khu vực này từng là xã Quảng Đông – huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, sau quá trình sắp xếp lại địa giới hành chính cấp xã, các xã Quảng Đông, Quảng Kim, Quảng Hợp và Quảng Phú đã hợp nhất thành xã mới mang tên Phú Trạch.
Phú Trạch giờ đây không chỉ là cửa ngõ của tỉnh Quảng Trị mới, mà còn là vùng đất thiêng liêng. Nơi đây tọa lạc đảo Yến – Vũng Chùa, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, hàng triệu người từ khắp nơi đổ về đây để dâng hương, tưởng nhớ công lao trời biển của vị tướng tài ba.

Với việc trở thành một trong 78 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Trị, xã Phú Trạch giữ vai trò chiến lược trong kết nối Bắc – Trung – Nam, đồng thời cũng là điểm đến mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử – tâm linh.
Tỉnh Quảng Trị mới sau sáp nhập được đánh giá là “cầu nối” giữa các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ. Với chiều dài bờ biển hơn 100km, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển đang được đầu tư mạnh, vùng đất này hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm du lịch – logistics và nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.