Chính sách - Đầu tư

Trước sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp đón niềm tự hào lớn được Chính phủ công nhận

Chiến Thắng 03/06/2025 18:11

Trước khi thực hiện sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp đã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ quan trọng.

đồng tháp sáp nhập
Thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nhìn từ trên cao

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 3/6/2025 chính thức công nhận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Theo quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định, đồng thời thực hiện khen thưởng theo quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó đặc biệt chú trọng các tiêu chí về kinh tế và môi trường, nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cao Lãnh đã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa mạnh mẽ và trở thành phong trào thi đua rộng khắp trên toàn địa bàn huyện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn huyện Cao Lãnh có sự thay đổi rõ rệt và toàn diện, đời sống người dân ngày càng cải thiện.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động và đầu tư hơn 1.443 tỷ đồng để xây dựng 725 công trình kết nối giao thông liên vùng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đồng thời kết hợp với xây dựng bờ bao bảo vệ sản xuất và phát triển hạ tầng nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Các công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống dân sinh, kết nối giao thương, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho huyện Cao Lãnh.

Công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã đạt được những kết quả tích cực, với việc từng bước hoàn thiện hạ tầng số và hệ thống dữ liệu phục vụ triển khai Đề án chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, đồng thời đảm bảo tốt an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Điểm nổi bật là hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có tới 41% nông dân trên địa bàn huyện biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung – cầu thị trường qua Internet và thực hiện giao dịch mua bán trực tuyến. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động ứng dụng di động “Cao Lãnh đồng hành”, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

cao lãnh nông thôn mới
Nhiều sản phẩm nông sản đặc thù của huyện Cao Lãnh sẽ có cơ hội phát triển tích cực sau khi huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Trong lĩnh vực y tế, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%, vượt 1,78% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và tăng 5% so với năm 2020.

Cùng với đó, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân cũng tiếp tục được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững trên địa bàn huyện.

Hưởng ứng các hoạt động xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, người dân huyện Cao Lãnh luôn đồng tình, đồng thuận hiến đất, đóng góp tài lực, vật lực để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vai trò chủ thể của người dân, sức mạnh của cộng đồng, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực trong Nhân dân tham gia. Tổng nguồn lực huyện huy động xây dựng Chương trình giai đoạn 2021 - 2024 gần 12.600 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp...

Trong năm 2024, cơ cấu kinh tế của huyện Cao Lãnh tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp chiếm gần 39%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 14%, còn lại thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 48%. Tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu trong năm ước đạt khoảng 23.400 tỷ đồng.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã có 17/17 xã duy trì đạt bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hoàn thành và được công nhận 2 làng thông minh tại xã Bình Thạnh và Mỹ Xương; thị trấn Mỹ Thọ được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Huyện tiếp tục duy trì chuẩn huyện nông thôn mới và đã đạt bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, khẳng định những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp sáp nhập lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm hành chính tại Thành phố Mỹ Tho.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp mới sẽ có 305 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó tỉnh Tiền Giang có 164 đơn vị (135 xã, 21 phường, 08 thị trấn); tỉnh Đồng Tháp có 141 đơn vị (114 xã, 18 phường, 9 thị trấn).

Hai địa phương này đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục để sáp nhập tỉnh theo quy định của Trung ương.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Trước sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp đón niềm tự hào lớn được Chính phủ công nhận
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO