Sau sáp nhập, một tỉnh mới vừa có biển cát đen độc nhất, vừa là “vương quốc trái cây” và “xứ sở sen hồng”
Sau sáp nhập, một tỉnh mới gây chú ý khi sở hữu biển cát đen độc nhất, đồng thời là “vương quốc trái cây” và “xứ sở sen hồng” rực rỡ bốn mùa.
Từ không biển thành có biển: Bãi cát đen Tân Thành nâng tầm bản đồ du lịch
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp sẽ sáp nhập thành một tỉnh mới mang tên Đồng Tháp, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hiện nay. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, không chỉ thay đổi địa lý – hành chính mà còn mở ra một gương mặt phát triển kinh tế – du lịch mới cho cả khu vực.

Một trong những điểm nhấn nổi bật sau sáp nhập là bãi biển Tân Thành – bãi cát đen dài nhất Việt Nam, thuộc xã Gò Công Đông, Tiền Giang. Đồng Tháp trước đây là tỉnh nội địa, không giáp biển, nhưng sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ sở hữu đường bờ biển kéo dài cùng bãi cát đen độc đáo, chỉ cách TP.HCM khoảng 70km.
Không ồn ào như các vùng biển nổi tiếng, Tân Thành mang vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi và là “thiên đường hải sản” cho những ai yêu thích trải nghiệm bắt nghêu, sò, cua cùng người dân địa phương. Vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với du lịch cộng đồng nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến mới của du lịch miền Tây.
Từ sen hồng đến cá tra, xoài cát: Hai thủ phủ nông sản hội tụ
Sáp nhập cũng đồng nghĩa với việc hợp nhất hai “vựa nông sản” hàng đầu miền Tây. Đồng Tháp – vốn được mệnh danh là xứ sở sen hồng, nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ sen và xuất khẩu cá tra – mặt hàng đang có mặt tại hơn 90 quốc gia. Năm 2024, tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP lên 7,5% trong năm 2025.

Vườn quốc gia Tràm Chim, khu sinh thái Gáo Giồng, khu di tích Gò Tháp, Xẻo Quít... là những điểm đến kết hợp giữa bảo tồn và du lịch sinh thái, văn hóa. Với hơn 500 sản phẩm từ sen và sự hiện diện của sếu đầu đỏ quý hiếm, Đồng Tháp không chỉ là nơi có tài nguyên phong phú mà còn là vùng đất giàu bản sắc.
Trong khi đó, Tiền Giang là vương quốc trái cây của miền Tây, với hơn 84.000ha cây ăn trái, cung ứng trên 1,8 triệu tấn trái cây mỗi năm. Các loại như sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn... đều có thị trường xuất khẩu rộng khắp.

Giao thương thuận lợi, sinh thái phong phú: Tương lai của vùng đất hợp nhất
Tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có diện tích gần 6.000km², dân số trên 4,2 triệu người, cùng mạng lưới giao thông đường bộ, thủy và đường biên giao thương với Campuchia. Đồng Tháp sở hữu hai cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Ba, năm cửa khẩu phụ – là “cửa ngõ” giao thương vùng Tây Nam.
Thêm vào đó là lợi thế tự nhiên từ hai dòng sông lớn: Tiền và Hậu, giúp thúc đẩy giao thương đường thủy, du lịch sông nước và các loại hình canh tác nông nghiệp đặc sản. Mạng lưới kênh rạch, vùng đất phù sa màu mỡ và hệ thống đê bao, thủy lợi hoàn chỉnh sẽ giúp tỉnh mới phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Kết nối các điểm như bãi biển Tân Thành – Vườn quốc gia Tràm Chim – Gáo Giồng – làng nghề Gò Công – cù lao Thới Sơn – miệt vườn Cái Bè – chợ nổi Cái Thia… sẽ tạo nên một bản đồ du lịch liên hoàn, kết hợp giữa biển, sông và sinh thái.