Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập Đồng Tháp - Tiền Giang: Lý giải nguyên nhân chọn tên Đồng Tháp, nhưng trung tâm hành chính đặt tại Tiền Giang

Nguyễn Trang 25/04/2025 21:16

Sau sáp nhập Tiền Giang và Đồng Tháp, tỉnh mới mang tên Đồng Tháp với dân số hơn 4,2 triệu người. Thành phố Mỹ Tho được chọn làm trung tâm hành chính.

Giữ tên gọi “Đồng Tháp” – Giữ bản sắc, tăng tính nhận diện vùng

Tỉnh mới sau khi sáp nhập giữa Tiền Giang và Đồng Tháp sẽ tiếp tục mang tên "Đồng Tháp". Đây không chỉ là cách giữ gìn bản sắc lịch sử - văn hóa mà còn tăng tính nhận diện địa lý cho toàn khu vực. Với tổng diện tích 5.938,7km², dân số hơn 4,2 triệu người, tỉnh Đồng Tháp mới sẽ là một trong những đơn vị hành chính lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và dân số.

Đồng Tháp mười
Khi nhắc đến Đồng Tháp, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Đồng Tháp Mười - Đây là một trong những điều khiến cái tên Đồng Tháp mang tính thương hiệu và nhận diện rất cao

Việc hợp nhất hai tỉnh theo Nghị quyết số 60-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang kinh tế ven sông Tiền, trải dài từ biên giới Campuchia đến biển Đông, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, sử dụng hiệu quả hạ tầng hiện có và tối ưu nguồn lực phát triển.

Thành phố Mỹ Tho: Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới

Theo dự thảo đề án, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) được lựa chọn làm trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Đồng Tháp sau sáp nhập. Đây là đô thị loại I đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có lịch sử hình thành hơn 346 năm, hạ tầng hành chính hiện đại, đồng bộ, đã từng đảm nhiệm vai trò trung tâm vùng trong nhiều giai đoạn lịch sử.

Thành phố Mỹ Tho
Thành phố Mỹ Tho sẽ là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập

Về vị trí, Mỹ Tho là cửa ngõ kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM, nằm trên trục Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt phát triển, thuận lợi cho điều hành hành chính và liên kết kinh tế – xã hội liên vùng.

Mỹ Tho cũng là trung tâm được xác định trong quy hoạch vùng đến năm 2030 là đầu mối dịch vụ, thương mại, du lịch và logistics – phù hợp định hướng phát triển bền vững và hiện đại của tỉnh mới.

Bộ máy hành chính và phương án nhân sự sau sáp nhập

Sau sáp nhập, tỉnh mới có 102 đơn vị hành chính cấp huyện và xã, với tổng cộng hơn 22.600 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác. Trong đó, Tiền Giang hiện có 1.801 cán bộ công chức cấp tỉnh, 7.501 viên chức; Đồng Tháp có 1.316 cán bộ công chức và 12.048 viên chức.

UBND tỉnh dự kiến tạm thời giữ nguyên hiện trạng biên chế để ổn định hoạt động và rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ trước khi bố trí lại theo lộ trình tinh giản đúng quy định. Các cán bộ dôi dư có thể được điều động về các đơn vị còn thiếu nhân lực hoặc giải quyết theo nguyện vọng về nghỉ hưu, thôi việc theo quy định của Chính phủ.

Thành phố Mỹ Tho hiện đã có đầy đủ hệ thống trụ sở cơ quan cấp tỉnh, trung tâm hành chính công phục vụ hơn 300 lượt giao dịch/ngày. Sau sáp nhập, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí lại trụ sở, tài sản công, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí.

Một số cơ sở dôi dư sẽ được chuyển đổi thành trụ sở cho các cơ quan chuyên môn mới hoặc các điểm trường phục vụ giáo dục. Việc xử lý tài sản công được yêu cầu hoàn tất trong vòng 3 năm và đúng theo quy định pháp luật.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Sáp nhập Đồng Tháp - Tiền Giang: Lý giải nguyên nhân chọn tên Đồng Tháp, nhưng trung tâm hành chính đặt tại Tiền Giang
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO