Trồng thứ chẳng ai ngờ giữa trời nắng nóng, nông dân Trà Vinh "trúng mánh" thu đều trăm triệu mỗi vụ
Nông dân tỉnh Trà Vinh đang chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với thời tiết, ưu tiên những giống cây khỏe nhằm duy trì sản xuất và ổn định thu nhập.
Cây màu ngắn ngày trở thành lựa chọn chủ lực trong mùa nắng nóng
Dưới tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 4 và đầu tháng 5/2025, nhiều nông dân ở tỉnh Trà Vinh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng, nhằm đảm bảo năng suất và thu nhập. Tuy nhiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều diện tích trồng bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, phèn chua và giảm sản lượng, buộc bà con phải tăng đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc.

Các bệnh thường gặp như sâu tơ, bọ nhảy trên rau ăn lá, bọ dưa trên các loại bầu bí, thán thư trên ớt, khổ qua, đốm lá, rỉ sắt trên đậu phộng hay sâu đầu đen trên cây dừa… tiếp tục gây áp lực lên người trồng trọt. Riêng trong tháng 4, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen đã giảm 82,33 ha, nhưng vẫn còn hơn 100 ha nhiễm bệnh – chiếm 0,35% tổng diện tích dừa toàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 27.748 ha cây hàng năm, trong đó gồm 3.346 ha cây màu lương thực, 14.244 ha cây thực phẩm và 10.157 ha cây công nghiệp ngắn ngày. Sản lượng thu hoạch đạt hơn 435.000 tấn.
Đậu nành rau, ớt chỉ thiên… giúp nông dân xoay chuyển tình thế
Thực tế cho thấy, chuyển đổi cây trồng là giải pháp thiết thực giúp nhiều nông dân duy trì lợi nhuận. Bà Thạch Thị Thiên (ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) năm nay đã chuyển từ đậu phộng sang trồng đậu nành rau trên diện tích 0,5 ha. Với mức giá bao tiêu 11.500 đồng/kg từ doanh nghiệp, thời gian trồng ngắn chỉ khoảng 65 ngày, chi phí đầu tư thấp và thu hoạch đồng loạt giúp bà thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.

So với đậu nành rau, cây ớt chỉ thiên tuy yêu cầu đầu tư lớn và thời gian thu hoạch kéo dài từ 3–5 tháng nhưng lại có khả năng đem lại nguồn thu cao khi giá tăng mạnh. Ông Hồ Văn Thuận (ấp Huyền Đức, xã Long Sơn) chia sẻ đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho 0,7 ha ớt, bao gồm cả hệ thống tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đợt thu hoạch đầu tiên mang về 250 triệu đồng, lợi nhuận đạt 120 triệu. Dù đợt thu hoạch thứ hai chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng làm giảm năng suất, ông vẫn hy vọng sẽ tiếp tục thu được kết quả khả quan nhờ giá thị trường cao.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, nếu giá ớt tiếp tục giảm, ông sẽ chuyển sang trồng dưa hấu – loại cây phù hợp hơn với điều kiện đất giồng cát và khí hậu đầu mùa mưa.
Chủ động mùa vụ, ứng phó linh hoạt với thời tiết
Theo ông Huỳnh Văn Nghĩa – Trưởng Ban Nhân dân ấp Huyền Đức, nông dân địa phương đã dần hình thành tư duy sản xuất linh hoạt: mùa nắng tập trung vào các cây màu ngắn ngày như đậu phộng, bắp giống, ớt, cà chua; còn mùa mưa chuyển sang dưa hấu, củ cải trắng… Đây là cách thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy.
Cũng nhờ lợi thế đất giồng cát và động cát, nông dân Huyền Đức có thể luân canh nhiều loại cây màu phù hợp theo mùa, hạn chế rủi ro thời tiết và đảm bảo nguồn thu nhập ổn định quanh năm.
Câu chuyện ở Trà Vinh cho thấy, người nông dân không chỉ là người sản xuất mà còn là người thích nghi, học hỏi và phản ứng nhanh với những biến động môi trường. Việc chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, chọn giống phù hợp, chủ động liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, áp dụng kỹ thuật canh tác mới... là những yếu tố then chốt giúp họ duy trì hiệu quả kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.