Mô hình mới

Bỏ cách làm cũ, nông dân Trà Vinh trồng thứ dân dã theo "công thức" mới, lãi nhận về cao hơn gấp vài lần

Tuấn Anh 16/05/2025 6:00

Mô hình sản xuất mới theo Đề án mới tại Trà Vinh giúp nông dân tăng thu nhập 20–25%, giảm chi phí, nâng cao chất lượng gạo và giảm phát thải khí nhà kính.

Năng suất cao, thu nhập tăng: Niềm tin mới của nông dân Trà Vinh

Đến cuối tháng 4/2025, tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch hơn 90% diện tích lúa đông–xuân trên tổng số 61.600ha đã xuống giống. Đặc biệt, hơn 883ha lúa được sản xuất theo Đề án lúa chất lượng cao và phát thải thấp, phân bổ tại 16 hợp tác xã (HTX) ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang và Trà Cú.

Theo báo cáo, năng suất lúa trong mô hình Đề án đạt 6,75 tấn/ha – cao hơn mức trung bình ngoài mô hình. Trong một số HTX điểm như HTX Việt Thành (Cầu Kè), năng suất vụ đông–xuân còn đạt đến 7,5 tấn/ha, giúp nông dân tăng thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ha nhờ giảm chi phí sản xuất.

Nông dân Nguyễn Văn Phúc bên trà lúa chuẩn bị thu hoạch
Nông dân Nguyễn Văn Phúc bên trà lúa chuẩn bị thu hoạch (Ảnh: Báo Trà Vinh)

Tại HTX Phước Hảo, huyện Châu Thành, mô hình cho kết quả tích cực. Ông Nguyễn Văn Phúc – thành viên HTX, cho biết gia đình ông trồng 1,5ha giống lúa ST24, năng suất đạt 8 tấn/ha, giá bán được bao tiêu 9.600 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu nhập đạt khoảng 50 triệu đồng/ha – cao gấp đôi so với sản xuất thông thường.

Cũng tại huyện Châu Thành, HTX Phát Tài ghi nhận năng suất trung bình đạt từ 7,5 đến 8,5 tấn/ha. Nhờ tiết giảm chi phí vật tư, bơm tưới và thuốc bảo vệ thực vật, mỗi ha lúa cho lợi nhuận 35–37 triệu đồng, tăng thêm khoảng 2–2,5 triệu đồng so với vụ trước.

Quy trình mới, tư duy mới trong sản xuất lúa

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, mô hình sản xuất lúa theo Đề án không chỉ cải thiện năng suất mà còn góp phần giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính – phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay.

Nông dân xã Song Lộc, huyện Châu Thành phơi lúa vụ đông - xuân 2024 - 2025
Nông dân xã Song Lộc, huyện Châu Thành phơi lúa vụ đông - xuân 2024 - 2025 (Ảnh: Báo Trà Vinh)

Các thay đổi kỹ thuật gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, tưới ướt – khô xen kẽ, sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa đồng bộ, quản lý rơm rạ và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đã giúp các HTX từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại.

Từ chỉ 2 HTX điểm ban đầu, đến nay đã có 16 HTX tham gia và mô hình đang được mở rộng nhanh chóng. Trong vụ hè–thu 2025, các địa phương dự kiến mở rộng thêm trên 100ha, gồm cả thành viên và nông dân bên ngoài HTX.

Đặc biệt, chính việc áp dụng quy trình “Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp” vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giúp các HTX Trà Vinh nâng cao năng lực canh tác, tiếp cận với quy chuẩn sản xuất xanh – sạch – hiệu quả hơn.

Tái cấu trúc chuỗi giá trị lúa gạo: Yêu cầu cấp thiết trong biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu và áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế đang khiến sản xuất lúa gạo ngày càng trở nên khó khăn. Theo ông Lê Văn Đông, để ngành hàng lúa gạo Trà Vinh phát triển bền vững, cần phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao vị thế sản phẩm.

Sản xuất theo hướng canh tác bền vững, phát thải thấp, kết hợp với bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ số là giải pháp căn cơ để vừa đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân, vừa hướng tới an ninh lương thực và phát triển kinh tế xanh.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, cần nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến quy mô lớn, hệ thống tổ chức sản xuất chặt chẽ, gần gũi với nông dân hơn bao giờ hết.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bỏ cách làm cũ, nông dân Trà Vinh trồng thứ dân dã theo "công thức" mới, lãi nhận về cao hơn gấp vài lần
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO