Chuyển động

Toàn cảnh kết quả kinh doanh Quý I ngành bán lẻ: MSN tăng mạnh, PNJ hụt hơi

Trần Ngọc San 14/05/2025 11:41

Quý I/2025, nhóm doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ lớn như DGW, MWG, FRT hay MSN ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tích cực so với cùng kỳ. Riêng PNJ là trường hợp ngoại lệ khi cả doanh thu và lợi nhuận ròng sụt nhẹ

MWG - Doanh thu tăng mạnh, chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp chính

Kết thúc Q1/2055, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) lần lượt đạt giá trị 36.314,96 tỷ đồng và 1.547,83 tỷ đồng, tăng trưởng 14,85% và 71,5% so với giá trị Q1/2024. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, MWG đã hoàn thành 24% kế hoạch hoạt động năm 2025.

Về cơ cấu doanh thu, chuỗi Điện Máy Xanh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 44,2%, tiếp đến là chuỗi Bách Hóa Xanh và Thế giới Di động, với giá trị đóng góp lần lượt đạt 30,5% và 23%.

Diễn biến và cơ cấu doanh thu MWG trong Q1/2025. Nguồn: Bản tin nhà đầu tư MWG

Trong quý I/2025, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh của MWG ghi nhận doanh thu hơn 24.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, doanh thu online đóng góp khoảng 6%, trong khi doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng tăng hơn 15% nhờ mô hình vận hành tinh gọn và tối ưu chi phí.

Dù thị trường điện máy - công nghệ phục hồi chưa đồng đều, MWG vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, đặc biệt ở nhóm sản phẩm ICT với mức tăng trên 20%, phản ánh hiệu quả chiến lược mở rộng thị phần, đa dạng giải pháp mua sắm và tăng cường hợp tác với các đối tác lớn.

Số lượng các cửa hàng đang hoạt động của MWG. Nguồn: Bản tin nhà đầu tư MWG

Bên cạnh đó, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, với doanh thu bình quân đạt 2,1 tỷ đồng tại các cửa hàng hoạt động ổn định và 1,2 - 1,5 tỷ đồng tại các cửa hàng mới - phần lớn tập trung ở các tỉnh miền Trung.

Các chuỗi khác như An Khang ghi nhận doanh thu 515 tỷ đồng, ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về hiệu quả và đang tiến gần điểm hòa vốn; AvaKids đạt 313 tỷ đồng với hơn 50% doanh thu đến từ kênh online và đã có lãi ở cấp độ công ty; chuỗi Era Blue cũng đạt gần 700 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận trong quý đầu năm.

DGW - Doanh thu mảng thiết bị gia dụng tăng trưởng 91% so với cùng kỳ

Công ty CP Thế Giới Số (HOSE: DGW) kết thúc quý I/2025 với kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng. Doanh thu thuần đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 106 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2024, kết quả trên phần nào cho thấy sự tăng trưởng ổn định của doanh nghiệp dù cho bối cảnh kinh tế còn nhiều thử thách.

Kết quả kinh doanh Q1/2055 của DGW. Nguồn: DGW

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng thiết bị gia dụng trong Q1/2025 nổi bật với sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng hơn 90% so với giá trị cùng kỳ năm ngoái, tương đương giá trị cuối kỳ đạt 401 tỷ đồng. Các sản phẩm của nhãn hàng Philips, được DGW phân phối từ giữa năm 2024, đã có sự đóng góp lớn vào kết quả này.

Tuy nhiên, trên thực tế, mảng điện thoại di động vẫn là mảng đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cấu trúc doanh thu của DGW với giá trị 40,48%, tương đương 2.250 tỷ đồng.

FRT - Động lực tăng trưởng chính đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu

Kết thúc quý I/2025, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.670 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 273 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 29% và 207% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến trong quý đạt 2.146 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, cho thấy doanh nghiệp đã phần nào thành công trong việc khai thác xu hướng mua sắm trực tuyến và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Kết quả kinh doanh Q1/2025. Nguồn: Bản tin nhà đầu tư FRT

Xét về cấu trúc doanh thu, doanh thu chuỗi FPT Long Châu trong kỳ đạt 8.054 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ và đóng góp 69% cấu trúc doanh thu. Bên cạnh đó, doanh thu của chuỗi FPT Shop đạt 3.682 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với giá trị cùng kỳ, chiếm 31% doanh thu.

Cơ cấu doanh thu FRT Q1/2025. Nguồn: Bản tin nhà đầu tư FRT

Tính đến thời điểm hiện tại, FRT sở hữu mạng lưới 2.022 nhà thuốc Long Châu trên toàn quốc, tăng thêm 435 cửa hàng so với cùng kỳ, khẳng định vị thế vững chắc trong ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam.

Số lượng các cửa hàng của FRT. Nguồn: Bản tin nhà đầu tư FRT

Đồng thời, công ty cũng quản lý 628 cửa hàng FPT Shop (giảm 115 cửa hàng so với năm trước), chuyên phân phối các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng và phụ kiện. Ngoài ra, chuỗi trung tâm tiêm chủng Long Châu cũng đã phát triển mạnh mẽ, với tổng số 144 trung tâm, tăng 93 đơn vị so với cùng kỳ.

MSN - Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh

Trong quý I/2025, MSN ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.896,54 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với giá trị cùng kỳ, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của doanh nghiệp đạt 983,04 tỷ đồng, tăng 105,23% so với giá trị đạt được trong quý I/2024 nhờ động lực cốt lõi đến từ mảng tiêu dùng bán lẻ có nhiều diễn biến tích cực.

Cụ thể, theo báo cáo công bố thông tin lợi nhuận quý I/2025, Masan Consumer (MCH) ghi nhận doanh thu đạt 7.489 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận hoạt động (EBIT) cũng đạt 1.736 tỷ đồng, tăng 13,8%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) giảm 3,3%, xuống còn 1.614 tỷ đồng do thu nhập tài chính thuần giảm sau khi MCH thực hiện các đợt chia cổ tức trong năm 2024.

Đối với WinCommerce (WCM) đạt doanh thu 8.785 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, và NPAT Pre-MI đạt 58 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng nhờ tăng trưởng cùng cửa hàng (LFL), mở rộng quy mô mạng lưới và lượt khách mua sắm tăng.

Bên cạnh đó, Masan MEATLife (MML) ghi nhận doanh thu 2.070 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ, và NPAT Pre-MI đạt 116 tỷ đồng, tăng mạnh 163 tỷ đồng nhờ giá heo hơi thuận lợi, giá trị heo thịt tăng và tối ưu hóa cơ cấu mảng thịt chế biến.

Phúc Long Heritage (PLH) đạt doanh thu 424 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, và NPAT Pre-MI đạt 43 tỷ đồng, tăng 98,7% nhờ mở mới cửa hàng.

Cuối cùng, Masan High-Tech Materials (MHT) ghi nhận doanh thu 1.393 tỷ đồng, tăng 12,0% so với quý 1/2024, trong khi NPAT Pre-MI âm 222 tỷ đồng, cải thiện 480 tỷ đồng nhờ thoái vốn tại H.C. Starck (HCS) và giá khoáng sản tăng mạnh do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kết quả hoạt động kinh doanh của MSN giai đoạn Q1/2024 - Q1/2025

Về kế hoạch chi tiết trong năm 2025, doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 đạt từ 80.000 tỷ đồng đến 85.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng LFL từ 7% đến 14%. Tổng doanh thu hợp nhất (không bao gồm MHT) dự kiến đạt từ 74.013 tỷ đồng đến 78.013 tỷ đồng, tăng trưởng từ 8% đến 13%. NPAT Pre-MI dự kiến đạt từ 4.875 tỷ đồng đến 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 14% đến 52% so với mức 4.272 tỷ đồng trong năm 2024.

PNJ - Kết quả kinh doanh trong kỳ "hụt hơi"

Trong quý 1/2025, PNJ ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm khi doanh thu thuần chỉ đạt khoảng 9.635 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng đi lùi, giá trị ghi nhận khoảng 678 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 1 năm 2025 của PNJ. Nguồn: PNJ

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bán lẻ và bán sỉ vàng của PNJ trong kỳ ghi nhận tín hiệu khởi sắc, với mức tăng lần lượt 6,1% và 22,8% so với cùng giai đoạn năm trước. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng hoạt động kinh doanh vàng 24K giảm mạnh với tỷ lệ giảm lên tới 65,8%.

Đánh giá về tình hình hoạt động cụ thể của từng kênh, doanh nghiệp cho biết trong quý 1 năm 2025, bất chấp bối cảnh sức mua toàn thị trường trang sức suy yếu do giá vàng neo cao và chi tiêu bán lẻ chững lại trong tháng 3, doanh thu từ mảng trang sức bán lẻ của PNJ vẫn tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Kết quả tích cực nêu trên đến từ việc mở rộng hệ thống cửa hàng, triển khai hiệu quả các chương trình marketing trong mùa cao điểm đầu năm, áp dụng chiến lược sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường và không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, doanh thu từ kênh bán sỉ cũng tăng mạnh 22,8% nhờ uy tín thương hiệu, quy trình sản xuất bài bản và khả năng tuân thủ chặt chẽ các quy định, giúp PNJ giữ vững niềm tin từ các đối tác – đặc biệt trong bối cảnh thị trường đề cao tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cơ cấu doanh thu luỹ kế quý 1 năm 2025 của PNJ. Nguồn: PNJ

Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh vàng 24K ghi nhận mức giảm sâu 65,8% do khó khăn kéo dài về nguồn cung nguyên liệu từ nửa cuối năm 2024. Trước tình trạng này, công ty đã chủ động dồn lực vào lĩnh vực cốt lõi là trang sức bán lẻ, dẫn đến việc giới hạn nguồn hàng vàng 24K và kéo theo doanh thu từ mảng này sụt giảm đáng kể, dù nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao.

Biên lợi nhuận ròng của PNJ giai đoạn Q1/2024 - Q1/2025. Nguồn: PNJ

Mặc dù vậy, theo doanh nghiệp, biên lợi nhuận ròng trong quý 1 năm 2025 đạt 7,0%, mặc dù có sự sụt giảm nhẹ so với quý 4 năm 2024, nhưng mức này vẫn cao hơn đáng kể so với 3 quý đầu năm 2024.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Toàn cảnh kết quả kinh doanh Quý I ngành bán lẻ: MSN tăng mạnh, PNJ hụt hơi
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO