Ngân hàng

Tín dụng bứt tốc, liệu các ngân hàng có đang hy sinh sức khỏe tài chính dài hạn?

Nguyễn Đăng 12/07/2025 12:44

Tín dụng tăng mạnh giúp các ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng, nhưng cũng đặt ra bài toán cân bằng giữa mở rộng cho vay và kiểm soát nợ xấu trong trung hạn.

Theo dữ liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,9% so với đầu năm, vượt xa mức 6,1% cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh này chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ tăng chậm hơn do nhu cầu yếu, đặc biệt là ở mảng vay tiêu dùng và bất động sản.

ngân hàng _
Tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,9% so với đầu năm

Động lực tăng trưởng tín dụng đang lan rộng trên toàn ngành. Tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết dư nợ tín dụng ngân hàng đã vượt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất, tài trợ dự án lớn, tín dụng xanh và khách hàng FDI, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 16,5%.

Tương tự, Agribank ghi nhận dư nợ cho vay hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%. VietinBank cũng báo cáo mức tăng ước khoảng 10%. Dữ liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy các ngân hàng thương mại cổ phần tăng tín dụng nhanh hơn khối ngân hàng quốc doanh, tuy nhiên phải đánh đổi bằng mức giảm biên lãi ròng (NIM) mạnh hơn do chủ động hạ lãi suất đầu ra.

MBS dự báo tín dụng toàn ngành có thể tăng 17–18% trong năm 2025, nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chính sách kích thích kinh tế và hướng đi bỏ trần “room tín dụng” cho các ngân hàng có năng lực tài chính tốt. Đồng thời, việc thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW dự kiến sẽ thúc đẩy khu vực tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng dư địa cho vay.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản đang là thách thức lớn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) từng giảm xuống 1,91% cuối năm 2024, nhưng đã tăng trở lại lên 2,15% vào quý I/2025. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống chỉ còn 80,2%, mức thấp nhất kể từ thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo MBS, việc giảm tốc trích lập dự phòng có thể khiến nhiều ngân hàng khó cải thiện chất lượng tài sản trong ngắn hạn.

Hầu hết ngân hàng niêm yết ghi nhận NPL tăng nhẹ trong quý I/2025, ngoại trừ một số đơn vị như VPBank, VietinBank và VIB – các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng sớm. MBS ước tính chi phí dự phòng năm 2025 sẽ tăng 12,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7,5% năm trước, nhưng thấp hơn dự báo trước đó nhờ xu hướng giảm của nợ nhóm 2.

Triển vọng nửa cuối năm 2025, theo MBS, tín dụng sẽ chuyển hướng mạnh hơn sang mảng bán lẻ, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra rủi ro cao hơn cho nợ xấu, buộc các ngân hàng phải duy trì chính sách trích lập thận trọng để bảo vệ sức khỏe tài chính dài hạn.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tín dụng bứt tốc, liệu các ngân hàng có đang hy sinh sức khỏe tài chính dài hạn?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO