Tích cực hỗ trợ tín dụng chính sách

Cập nhật: 10:00 | 29/08/2018 Theo dõi KTCK trên

UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP HCM trong những tháng cuối năm 2018 lập phương án bổ sung 170 tỷ đồng vốn cho chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.  

tich cuc ho tro tin dung chinh sach
Ảnh minh họa.

Việc chính quyền TP HCM đẩy mạnh hoạt động tạo lập nguồn vốn đối với NHCSXH như vậy cho thấy chủ trương chung tay hỗ trợ tài chính nhằm cải thiện mức sống của người dân tại các khu vực nông thôn đang được TP HCM rất quan tâm và tích cực thực hiện.

Thống kê của NHCSXH chi nhánh TP HCM cho thấy, tính đến giữa năm 2018, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tạo lập nguồn lực cho tín dụng chính sách. TP.HCM là nơi tích cực nhất trong hoạt động ủy thác nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay các hộ gia đình chính sách.

Theo đó, ngân sách thành phố, ngân sách các quận, huyện và các quỹ tài chính của TP HCM đã ủy thác khoảng trên 1.400 tỷ đồng để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách khác. Con số này chiếm khoảng 46,1% tổng nguồn vốn của NHCSXH chi nhánh TP HCM.

Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc NHCSXH chi nhánh TP HCM cho rằng, việc thành phố ưu tiên hỗ trợ tạo lập nguồn vốn có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của đơn vị. Bởi tính đến hiện nay, TP HCM đã không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia, việc cho vay các hộ gia đình chính sách chủ yếu dựa vào nguồn vốn ủy thác từ các quỹ của địa phương và nguồn ngân sách từ các quận, huyện.

Trong gần 4 năm vừa qua, nhờ sự tích cực của chính quyền địa phương các cấp, tỷ lệ vốn huy động thông qua nhận ủy thác từ ngân sách thành phố, ngân sách các quận, huyện và các nhà đầu tư khác đã có sự gia tăng liên tục. Tỷ trọng vốn huy động theo lãi suất thị trường được ngân sách Trung ương cấp bù chỉ còn chiếm khoảng 28,6% tổng nguồn vốn. Điều này cho thấy, riêng đối với TP HCM, Trung ương đã không còn phải lo nhiều cho hoạt động tín dụng chính sách mà đã có thể chủ động phần lớn nguồn vốn, do nguồn ngân sách địa phương rất lớn.

Cũng theo đại diện NHCSXH TP HCM, hiện nay với xu hướng phát triển mạnh hạ tầng và đô thị hóa, trọng tâm của nguồn vốn tín dụng chính sách tại TP HCM đã có sự chuyển dịch. Phần lớn dư nợ tín dụng chính sách tại NHCSXH tập trung vào chương trình cho vay hỗ trợ, tạo duy trì và mở rộng việc làm. Tính đến tháng 6/2018, tổng dư nợ cho vay phát triển việc làm tại đơn vị đã đạt khoảng 1.400 tỷ đồng (chiếm gần 50% tổng dư nợ). Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chiếm gần 1/2 tổng dư nợ.

Ông Tiên cho biết, từ năm 2016 đến nay ngoài ngân sách ủy thác từ cấp thành phố và các quỹ trên địa bàn, mỗi năm các quận, huyện đều ủy thác 2 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, hiện nay theo Thông tư số 324/2016 của Bộ Tài chính, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH được quy định là bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển. Do đó, từ đầu năm 2018 đến nay TP HCM gặp khó khăn trong vấn đề bố trí nguồn vốn ủy thác để NHCSXH thực hiện cho vay.

Vì vậy việc giao cho NHCSXH và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động đề xuất phương án bổ sung 170 tỷ đồng vốn cho chương trình cho vay giải quyết việc làm, đồng thời tạo cơ chế linh hoạt xử lý các khoản nợ bị rủi ro khách quan của các hộ vay vốn Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP HCM như chỉ đạo của UBND TP HCM mới đây là tín hiệu rất tích cực cho việc tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương giai đoạn tiếp theo.

Thạch Bình

Theo Thoibaonganhang.vn