Thương vụ “tất tay” của FLC liệu có khiến Bamboo Airways "cất cánh"?

Cập nhật: 09:08 | 24/07/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Mới đây, Tập đoàn Boeing đã thông báo về việc chốt hợp đồng bán 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner cho hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC. Theo mức giá công bố của dòng máy bay này, giá trị hợp đồng lên tới 5,6 tỷ USD và FLC đã đặt cọc một phần hợp đồng, thời gian bàn giao được thực hiện từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về số tiền đặt cọc không được tiết lộ.  

Trước đó, tập đoàn này cũng cho biết đã đạt thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD khác với hãng Airbus. Điều khiến dư luận quan tâm chính là FLC lấy đâu ra lượng tiền khổng lồ để chi trả cho 2 thương vụ trị giá 8,6 tỷ USD (gần 200.000 tỷ đồng) này.

Được biết, FLC là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn tại Việt Nam với hàng loạt dự án đình đám, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Và với các doanh nghiệp bất động sản, để có tiền đầu tư, doanh nghiệp thường lấy các dự án, tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp vay ngân hàng. FLC hiện nay đã và đang thế chấp một số dự án của mình tại ngân hàng. Vì vậy, việc dùng các dự án bất động sản để thế chấp vay lượng lớn vốn đầu tư vào hàng không được đánh giá là không khả thi với tập đoàn này.

Bên cạnh đó, lượng tiền tệ lưu chuyển trong kỳ hàng năm tại FLC chưa cao như vậy. Cụ thể, năm 2016, lượng tiền lưu chuyển từ đi vay tại tập đoàn này mới chỉ là 3.424 tỷ đồng và 1.207 tỷ đồng trả nợ trong kỳ. Đến năm 2017, số tiền vay lưu chuyển trong kỳ cũng mới chỉ đạt 2.394 tỷ đồng và trả nợ 1.678 tỷ đồng.

thuong vu tat tay cua flc lieu co khien bamboo airways cat canh
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn FLC và Credit Suisse AG (Ảnh: Economy).

Như đã phân tích ở trên, về nguồn lực để tham gia lĩnh vực hàng không của Tập đoàn FLC vẫn còn nhiều điều cần bàn. Bên cạnh đó, với những lĩnh vực hoạt động của tập đoàn này, các tổ chức tín dụng trong nước rất thận trọng khi cho Tập đoàn này vay. Đặc biệt với một thương vụ lớn và đầy mạo hiểm như trên.

Trước đó, tại hội thảo về hàng không chiều 26/7 diễn ra tại FLC Thanh Hóa, câu hỏi việc liệu Bamboo Airways, công ty con của tập đoàn FLC, mua lượng lớn máy bay với hai hợp đồng tổng giá trị 8,6 tỷ USD có phải là mạo hiểm đã được nêu ra.

Cụ thể, dù chưa được cấp phép bay và chưa khai thác thử, đại gia này đã ký hợp đồng mua tổng cộng 44 máy bay từ 2 hãng Airbus và Boeing. Các chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng các hợp đồng này "táo bạo đến liều lĩnh" và "đầy rủi ro", có thể khiến FLC phơi thân trong nợ nần.

Nói tại hội thảo, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC và Bamboo Airways, tự tin "không có lý do gì để FLC không hiệu quả".

Ông Quyết giải thích đến 2019 - 2020 FLC có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng. "Với sự chuẩn bị hạ tầng du lịch thì tôi rất tâm đắc với cặp song sinh du lịch - hàng không. Bamboo Airways có đường hướng riêng để phát triển. Trước đây hạ tầng du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng đã mang lại hiệu quả cho hãng khác", ông Quyết nói.

Ông cho rằng trước đây một số hãng hàng không ở Việt Nam chết yểu vì họ chỉ bay vài ba chiếc, trong khi đó Bamboo Airways sẽ bay ngay 20 máy bay trong năm 2018.

"Nếu cung cấp số lượng ít, chúng tôi cũng sẽ có thể chết yểu cũng như các hãng hàng không khác", vị đại gia bất động sản vừa tham gia lĩnh vực hàng không nói.

Ngô Trọng Nghĩa