Thực thi hiệp định EVFTA (bài 1): Con đường cải cách

Cập nhật: 09:10 | 08/06/2020 Theo dõi KTCK trên

KTCKVN - Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 8/6 sẽ đặt Việt Nam vào một con đường cải cách mới trước cánh cửa hội nhập, thu hút nguồn lực FDI có chất lượng.

thuc thi hiep dinh evfta bai 1 con duong cai cach

Lũy kế cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 376 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài nhưng vốn đầu tư của châu Âu chỉ là 27,5 tỷ USD.

Trong số các thành viên EU, chưa quốc gia nào đứng trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, mặc dù Pháp, Đức là những nước có đầu tư lớn ra nước ngoài. Cùng với đó, cũng không quá nhiều doanh nghiệp lớn từ châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Cho đến nay, những cái tên được kể đến chủ yếu là Schneider Electric, Siemens, Ericsson, Bosch…

Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp châu Âu chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 400 triệu USD. Một phần là do ảnh hưởng của COVID-19, song ở góc độ khác, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, vấn đề nằm ở môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

“Có lẽ các nhà đầu tư châu Âu lo ngại sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch của chính sách, lo chất lượng nguồn nhân lực, lo phải trả các chi phí không chính thức…”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Còn ông Gilles Godissart, phụ trách thương mại của Mènart (công ty chuyên cung cấp thiết bị và giải pháp xử lý chất thải đang muốn mở rộng thị trường ở Việt Nam) cho rằng, thủ tục hành chính còn rườm rà và điều này đôi khi trở thành “lực cản”.

Song câu chuyện có thể khác nếu EVFTA và EVIPA được thực thi hiệu quả bởi theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, EVFTA và EVIPA sẽ là “chất xúc tác” để Việt Nam cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó thu hút được nhiều hơn vốn FDI.

thuc thi hiep dinh evfta bai 1 con duong cai cach

Khi EVFTA và EVIPA được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định điều này. “Rất nhiều cam kết toàn diện và cân bằng hơn được đưa ra tại EVFTA, đặc biệt là EVIPA, sẽ giúp Việt Nam không chỉ tăng thu hút đầu tư chất lượng cao từ châu Âu, mà còn là đầu tư nước ngoài nói chung”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Không khó để nhận ra những cam kết toàn diện đó. Chẳng hạn, EVIPA cam kết đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; không trưng thu, quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài và các cam kết bảo hộ đầu tư khác…

“Đây là điều mà các nhà đầu tư trông đợi từ lâu. Nhiều khi, họ lo ngại chuyện bị trưng thu tài sản, lo không được đối xử công bằng và bảo hộ đầy đủ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Chưa kể, còn các cam kết khác về vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm công…, điều mà lâu nay, các nhà đầu tư Mỹ, EU rất lo ngại.

Theo quy định tại EVFTA, Việt Nam và EU phải thực hiện một loạt cam kết về môi trường và chống biến đổi khí hậu, mức độ bảo vệ môi trường do mỗi bên tự quyết định, nhưng không được thấp hơn trong các hiệp định đa phương liên quan đến môi trường, phải tăng cường bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, chống chặt phá rừng, đánh bắt cá trái phép…

Cam kết về lao động là loại bỏ các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, xóa bỏ lao động trẻ em, bình đẳng và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…

Ngoài ra, EVFTA dành một chương về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ở một khía cạnh khác, các quy định về xuất xứ hàng hóa tại EVFTA, cũng như tại các FTA khác, như CPTPP, cũng được cho là sẽ tạo áp lực để Việt Nam nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Lâu nay, một trong những điều khiến các nhà đầu tư than phiền, đó là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển.

“EVFTA là ‘đường cao tốc’ nối Việt Nam với EU, nhưng đó không phải là con đường miễn phí”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói và cho rằng, vì không miễn phí nên phải đầu tư và một trong những điểm mấu chốt phải đầu tư là cải thiện nền kinh tế.

“Để làm được điều đó, Việt Nam phải tập trung vào 3 trụ cột: hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng các kịch bản phát triển quốc gia sau đại dịch, việc thực thi EVFTA, EVIPA sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đón đầu sự dịch chuyển của dòng đầu tư quốc tế nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đón đầu sự điều chỉnh của các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới mới.

EVFTA và EVIPA chính là chất xúc tác để Việt Nam tiếp tục con đường cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách không phải chỉ để thực hiện các cam kết của EVFTA, EVIPA mà còn vì tự thân sự phát triển của Việt Nam.

Lâu nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn được xếp ở nấc thang thấp hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, cải cách thể chế, chuẩn bị một chương trình tái cơ cấu kinh tế chuẩn xác hơn, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài là con đường mà Việt Nam phải đi. Như vậy mới có thể “nâng cấp” được nền kinh tế, nhất là khi một giai đoạn phát triển mới của đất nước đang bắt đầu.

thuc thi hiep dinh evfta bai 1 con duong cai cach

Sáng nay 8/6, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Ngày 8/6, Quốc hội tiếp tục họp đợt thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

thuc thi hiep dinh evfta bai 1 con duong cai cach

Tạo "lá chắn" cho doanh nghiệp trước "cơn bão" phòng vệ thương mại

KTCKVN - Để nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức, đặc biệt là nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lực ...

thuc thi hiep dinh evfta bai 1 con duong cai cach

Đồng ý dự thảo thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội

Sáng 1/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường ...

Quân Vương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm