Chính sách - Đầu tư

Thu hút FDI 6 tháng cao nhất trong 15 năm qua, TP Hà Nội dẫn đầu

Chiến Thắng 05/07/2025 09:57

Tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt mức cao nhất kể từ năm 2009, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư.

Kỷ lục 15 năm

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009, thể hiện sức hút ngày càng lớn của môi trường đầu tư Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn.

hà nội phát triển
Thành phố Hà Nội phát triển

Phân tích cụ thể, có 1.988 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,3 tỷ USD – tăng 21,7% về số dự án và tăng mạnh về giá trị vốn. Đồng thời, có 826 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt gần 8,95 tỷ USD – cao gấp 2,2 lần cùng kỳ 2024. Ngoài ra, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng 73,6%, với tổng giá trị đạt 3,28 tỷ USD.

Về lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, thu hút gần 12 tỷ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký. Ngành bất động sản đứng thứ hai với 5,17 tỷ USD – tăng gấp đôi cùng kỳ, cho thấy sự hồi phục đáng kể của thị trường. Các lĩnh vực khác như hoạt động chuyên môn, công nghệ, cấp nước và xử lý chất thải cũng ghi nhận lượng vốn đáng kể, lần lượt đạt 1,18 tỷ và 902,9 triệu USD.

Về số lượng dự án, công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục là “mảnh đất vàng” của nhà đầu tư nước ngoài khi chiếm đến 38,2% số dự án mới và 56,5% số lượt điều chỉnh vốn. Trong khi đó, hoạt động bán buôn – bán lẻ là ngành chiếm tỷ lệ cao nhất về số lượt góp vốn, mua cổ phần (40,9%).

Nhà đầu tư Châu Á dẫn dắt dòng vốn, Hà Nội và Bắc Ninh vươn lên top đầu cả nước

Trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn hơn 4,6 tỷ USD, dù giảm 24,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc xếp thứ hai với trên 3 tỷ USD, tăng gấp đôi, thể hiện xu hướng mở rộng các dự án đã hiện hữu. Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia lần lượt giữ các vị trí tiếp theo với mức vốn đầu tư 2,55 tỷ USD, 2,15 tỷ USD và 1,59 tỷ USD.

Đặc biệt, Malaysia và Thụy Điển gây bất ngờ khi tăng hạng vượt bậc. Malaysia tăng 20 bậc nhờ dự án điều chỉnh vốn tại Công viên Yên Sở, Hà Nội (tăng thêm 1,12 tỷ USD). Trong khi đó, Thụy Điển tăng 59 bậc nhờ dự án sản xuất – tái chế polyester tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Gia Lai với tổng vốn 1 tỷ USD.

Về địa phương, Hà Nội trở thành “nam châm hút vốn” với tổng vốn đăng ký 3,66 tỷ USD – cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Bắc Ninh và TP.HCM lần lượt đứng sau với 3,15 tỷ USD và 2,7 tỷ USD. Nhóm 6 địa phương dẫn đầu gồm Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương đã chiếm tới 64,7% số dự án mới và 62,4% tổng vốn FDI cả nước.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, việc cả ba chỉ số FDI gồm: dự án mới, điều chỉnh vốn và mua cổ phần đều tăng là tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ. Đặc biệt, các nhà đầu tư không chỉ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến mới, mà còn sẵn sàng rót thêm vốn vào các dự án đã hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến dòng vốn như xung đột thương mại Mỹ – Trung và các chính sách thuế mới. Dù vậy, với lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực, các chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt trong mắt các nhà đầu tư đến từ châu Á.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Thu hút FDI 6 tháng cao nhất trong 15 năm qua, TP Hà Nội dẫn đầu
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO