Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nợ xấu có thể gia tăng khi nới lỏng điều kiện cho vay

Cập nhật: 09:39 | 10/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng và gia tăng nợ xấu.

3520-nh5
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có văn bản trả lời ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV có liên quan đến vấn đề nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng.

Tại văn bản, Thống đốc cho biết việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng và gia tăng nợ xấu. Bởi vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Minh chứng cho điều này, Thống đốc lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn.

Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008.

Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các TCTD sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

Tín dụng tăng 8,13% so với đầu năm

Cũng tại văn bản, NHNN cho biết tính đến ngày 26/10/2021, tín dụng tăng 8,13% so với đầu năm và tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2020.

Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 250.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 540.000 tỷ đồng.

Đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 3,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 25/10/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng gần 30.000 tỷ đồng.

Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn phù hợp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán; đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Sacombank phát hành thành công 5.000 trái phiếu riêng lẻ chỉ trong vòng một tháng

Vừa mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) đã đóng sổ phát hành thành công 5.000 trái phiếu, tương ...

TOP 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất sau 9 tháng đầu năm 2021

Ngoài ba "ông lớn" gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, TOP 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất cuối quý III còn có nhóm ngân ...

SSI Research: Kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sớm nới thêm '"room" cho các ngân hàng

Cập nhật thị trường tiền tệ tuần từ 1/11 - 5/11, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết thanh khoản hệ ...

PV

Tin cũ hơn
Xem thêm