Thị trường chứng khoán Việt Nam - không để lỡ cơ hội do hạn chế về công nghệ: Bài 2: Cần có ngay những giải pháp

Cập nhật: 08:58 | 14/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Có thể nói, đến thời điểm này, thị trường chứng khoán đã đang dần khẳng định vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, dù vẫn còn rất nhỏ bé nếu so với kênh tín dụng ngân hàng. Theo các chuyên gia, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn… sẽ vẫn là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với thị trường chứng khoán.

Bài 1: Quá tải, nghẽn lệnh – niềm tin nhà đầu tư suy giảm

Cùng với đó, sau một thời gian dài rút vốn thì nhiều chuyên gia nhận định dòng vốn nước ngoài sẽ sớm quay trở lại Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi và cận biên khi triển vọng nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu dần sáng sủa hơn, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tại Việt Nam khả quan hơn và sự hấp dẫn của đồng USD trở nên yếu hơn so với các đồng tiền khác.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, hạ tầng giao dịch đã sẵn sàng cho sự trở lại này hay chưa hay chúng ta sẽ bị bỏ lại, bị lỡ cơ hội vì những hạn chế, yếu kém này? Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng khi thị trường gây ra sự nghi ngại của nhà đầu tư là không tốt. Do đó, câu chuyện quan trọng của thị trường từ nay đến cuối năm, theo ông Hưng là phải giữ cho hệ thống thông suốt, việc cải thiện hệ thống giao dịch càng cần nhanh chóng thực hiện.

5606-nghen-lenh
HOSE sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm hệ thống KRX từ hôm nay (14/6). Hình minh họa

Được biết, hiện vấn đề hạ tầng công nghệ của thị trường chứng khoán đang được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng hiện tượng nghẽn lệnh đang diễn ra hiện nay cần phải sớm khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh bởi “ách tắc là thiệt hại”. “Chúng ta phải vươn lên trong công tác quản lý, cả về năng lực, phương tiện mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn” – Bộ trưởng Tài chính nói.

Làm chủ công nghệ là giải pháp tháo gỡ khó khăn

Được biết, HOSE sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm hệ thống KRX từ hôm nay (14/6). Đây là hệ thống mà HOSE đã ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Theo lãnh đạo HOSE, sở dĩ hệ thống chưa được vận hành đúng hạn là do dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến việc đưa các chuyên gia Hàn Quốc vào làm việc khó khăn.

Cùng với đó, hiện HOSE và Tập đoàn FPT đang phối hợp, triển khai tích cực việc xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng cho hệ thống hiện tại và dự phòng cho cả hệ thống KRX sau này. Dự kiến, cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, phía FPT có thể bàn giao hệ thống cho HOSE.

Dù việc triển khai xây dựng hệ thống giao dịch mới được kỳ vọng trước mắt sẽ chấm dứt tình trạng quá tải, nghẽn lệnh hiện nay, nhưng về lâu dài cơ quan quản lý cần có giải pháp mang tính căn cơ, bền vững hơn. Trong đó, theo chúng tôi, việc nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ là một yêu cầu quan trọng.

Còn nhớ, vào năm 2000, chúng ta đã nhận được giúp đỡ từ Thái Lan để xây dựng, vận hành thị trường chứng khoán lúc sơ khai. Đó là điều cần thiết khi hầu hết người Việt Nam và giới công nghệ lúc đó chưa biết gì về thị trường chứng khoán.

Năm 2012, ngành chứng khoán chọn giải pháp của Hàn Quốc (KRX). Đây là một quyết định phù hợp và cần thiết tại thời điểm đó, vì chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để tự xây dựng hệ thống đủ sức “gánh vác” thị trường.

Tuy nhiên, đến nay, hệ thống này vẫn chưa thể đi vào vận hành do nhiều vướng mắc. Điều này cũng đặt ra một “đầu bài” cho chúng ta, đó là bên cạnh việc học hỏi, tận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển thì chúng ta cũng phải chủ động nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có sự trưởng thành, phát triển vượt bậc, trong đó đã có những kinh nghiệm nhất định đối với thị trường chứng khoán. Nhiều công ty chứng khoán đã sử dụng các giải pháp công nghệ do chính người Việt xây dựng và khẳng định sự ưu việt.

Một bằng chứng nữa là hiện nay hệ thống phần mềm đang áp dụng tại sàn HNX – một giải pháp của FPT vẫn hoạt động rất ổn định và hoàn toàn đáp ứng được tải tăng trưởng gấp hàng chục lần so với hệ thống của sàn HOSE hiện tại.

Vì vậy, một lần nữa, chúng tôi cho rằng về lâu dài, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển thì các cơ quan quản lý cũng cần tận dụng chính nguồn lực trong nước để sớm làm chủ công nghệ, góp phần phát triển bền vững thị trường chứng khoán. Đây cũng là giải pháp góp phần làm ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư tin tưởng vào các giải pháp công nghệ của các sàn HNX, HOSE góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư chứng khoán, đưa thị trường chứng khoán phát triển bền vững vượt qua những khó khăn khách quan, chủ quan nhất là khó khăn do Covid19 gây ra.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ngọc Lan

Tin cũ hơn
Xem thêm