Thép SMC dự kiến lãi 80 tỷ trong năm 2024, lên kế hoạch mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Cập nhật: 11:49 | 02/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vừa thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Theo đó, Hội đồng quản trị công ty nhất trí thông qua kế hoạch sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 là 900.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng. Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh công ty thương mại thép này vừa trải qua một năm kinh doanh tồi tệ.

Thép SMC dự kiến lãi 80 tỷ trong năm 2024, lên kế hoạch mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Đầu tư Thương mại SMC vừa thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023, Thép SMC đạt 3.141 tỷ doanh thu thuần hợp nhất, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến Thép SMC lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 219 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ lỗ sau thuế 164 tỷ đồng.

Công ty cho biết, mặc dù quý III/2023 là mùa thấp điểm của ngành thép, nhưng đặc biệt năm nay sản lượng và giá bán đều giảm mạnh so với các năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Thép SMC ghi nhận doanh thu đạt 10.574 tỷ đồng, giảm 44,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lỗ 586 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 93,6 tỷ đồng.

Năm 2023, Thép SMC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 20.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 150 tỷ đồng. Với việc lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, công ty còn cách rất xa kế hoạch có lãi.

Tính tới ngày 30/9/2023, tổng tài sản của công ty giảm 19% so với đầu năm, lùi về 6.765 tỷ đồng; bao gồm tổng tài sản ngắn hạn ghi nhận đạt 4.579 tỷ đồng, còn lại 2.186 tỷ đồng là tài sản dài hạn.

Trong đó, chiếm tới 30% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận ở 2.046 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận ở 1.256 tỷ đồng, chiếm tới 18% tổng tài sản.

Không những kinh doanh gặp khó, tình trạng thu hồi công nợ của SMC cũng bế tắc khi những doanh nghiệp bất động sản chưa có nhiều nguồn thu. Cuối tháng 9/2023, Thép SMC có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 98% là nợ ngắn hạn. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland.

Trong bối cảnh khó khăn, Thép SMC đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và nhân sự trong toàn hệ thống đồng thời tiết giảm tất cả chi phí phát sinh.

Bên cạnh đó, Công ty Đầu tư Thương mại SMC thông qua việc mua lại toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu mã SMCH2124001.

Theo tìm hiểu, mã trái phiếu SMCH2124001 được phát hành ngày 2/8/2021 và dự kiến đáo hạn ngày 2/8/2024. Thời gian mua lại dự kiến là ngày 2/2/2024, sau khi thoả thuận với trái chủ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.

Ở một diễn biến khác, vừa qua, công ty còn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, Bình Dương. Khu đất có diện tích 6.197 m2, giá chuyển nhượng dự kiến là 49 tỷ đồng.

SMC giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ đạo các phòng ban liên quan thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê nói trên theo đúng quy định.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 2/1/2024, cổ phiếu SMC ở mức 10.300 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp thép này trên thị trường hiện đạt 758,1 tỷ đồng.

Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2024, VSA cho biết, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Cụ thể, nhu cầu thép kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại khi đầu ra là thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024. Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý III/2023 mới bằng khoảng 73% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 24,7% so với quý II/2023.

Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024. Trong đó, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt mức 20.000 căn hộ và tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung đạt khoảng 12.000 căn (tăng 31%). CBRE cho rằng, nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% trong năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu thép cải thiện.

Halcom Việt Nam (HID) "sắp" thoái vốn tại 3 công ty thành viên

Từ nguồn vốn thu được thông qua việc chuyển nhượng cổ phần các công ty và từ nguồn thu khác, Halcom Việt Nam sẽ góp ...

Vi phạm quy định về thành viên HĐQT độc lập, Traphaco (TRA) lĩnh “tráp phạt” 125 triệu đồng

Traphaco bị phạt tiền 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Doanh nhân tuần qua: Hàng loạt nhân sự cấp cao các doanh nghiệp trên sàn “rời ghế”

Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố việc thay đổi nhân sự quản lý ...

Tiểu Vy