Thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại tại ba chi nhánh Vietcombank khu vực phía Nam
Ba chi nhánh Vietcombank tại Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh bị chỉ ra các tồn tại liên quan đến tín dụng, xử lý nợ, định giá tài sản và giao dịch ngoại tệ.
Trong tháng 6/2025, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 đã công bố loạt kết luận thanh tra đối với ba chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE VCB) gồm: Vũng Tàu, Bình Dương và Tây Ninh. Qua kiểm tra thực tế, đoàn thanh tra đã chỉ một số tồn tại lặp lại, liên quan đến quy trình tín dụng, giám sát vốn vay, xử lý nợ, định giá tài sản bảo đảm và hoạt động ngoại hối.

VCB Vũng Tàu cần khắc phục nhiều tồn tại trong hoạt động tín dụng, ngoại hối và phòng chống rửa tiền
Ngày 26/6/2025, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 đã ban hành Kết luận thanh tra số 09/KL-KV12.TT đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Vũng Tàu (VCB Vũng Tàu).
Theo kết luận, công tác thẩm định, xét duyệt cho vay đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Công tác kiểm tra, giám sát vốn vay đối với một số hồ sơ chọn mẫu cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Việc đảm bảo thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền chiết khấu của khách hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 04/2013/TT-NHNN ngày 01/3/2013 của NHNN Việt Nam chưa được tuân thủ đúng.
Công tác định giá tài sản đảm bảo là QSD đất đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa đúng theo quy định nội bộ của VCB về định giá tài sản đảm bảo là QSD đất lại theo định kỳ tối thiểu 01 năm/lần.

Công tác xử lý nợ có vấn đề đối với một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa đầy đủ đúng theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của NHNN Việt Nam quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong công tác phân loại nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, một số hồ sơ chọn mẫu thanh tra chưa đánh giá đầy đủ, chặt chẽ, chính xác khả năng trả nợ của khách hàng để đưa về nhóm có rủi ro thấp hơn đối với khách hàng. Thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ nhóm 5 tại chi nhánh nhưng chưa có các thông tin về việc trích lập dự phòng rủi ro (dự phòng cụ thể, dự phòng chung) và đề xuất sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, các thông tin chi tiết nằm rời rạc tại các mẫu biểu/báo cáo có liên quan trước khi trình.
Về công tác ngoại hối, một số hồ sơ thanh tra liên quan đến cung ứng dịch vụ cho khách hàng là pháp nhân có khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa đánh giá điều kiện hay yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh năng lực đáp ứng đầy đủ quy định về không bố trí kế toán hay người phụ trách kế toán là chưa đúng theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ và khoản 5 Điều 5 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 của NHNN Việt Nam đối với 03 khách hàng.
Về hoạt động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (PCRT, TTKB): Trong thời kỳ thanh tra, VCB Vũng Tàu đã thực hiện bố trí, phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm về PCRT cũng như thực hiện các hoạt động về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro. Tuy nhiên, công tác báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố, rà soát khách hàng giao dịch đáng ngờ chưa đạt yêu cầu đánh giá độc lập; áp dụng các biện pháp tạm thời cũng như công tác đào tạo bồi dưỡng về PCRT theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh và kết luận nêu trên, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 kiến nghị các biện pháp xử lý như sau: đối với Tổng Giám đốc VCB, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm đã nêu tại KLTT. Đối với VCB Vũng Tàu, tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với những người có liên quan đến vi phạm đã nêu tại KLTT thuộc thẩm quyền quản lý của Chi nhánh; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện khắc phục các tồn tại, vi phạm được nêu tại KLTT.
VCB Bình Dương bị yêu cầu khắc phục tồn tại trong hoạt động tín dụng
Kết luận thanh tra ghi nhận, VCB Bình Dương đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp để tăng trưởng tín dụng, triển khai các chương trình chính sách hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của ngành ngân hàng. Về cơ bản, VCB Bình Dương tuân thủ quy định của pháp luật, ngành ngân hàng trong hoạt động, cụ thể: về công tác xử lý nợ xấu, về chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; về chấp hành công tác phòng, chống tham nhũng, quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng, chuyển tiền một chiều, chuyển tiền ra nước ngoài…
Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, tại VCB Bình Dương còn có một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động cấp tín dụng: công tác thẩm định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay, thẩm định tài sản đảm bảo chưa chặt chẽ;… về phía khách hàng chưa thực hiện đúng nguyên tắc vay vốn.
VCB Tây Ninh bị chỉ ra nhiều thiếu sót trong hoạt động tín dụng và xử lý nợ xấu
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại trong hoạt động cấp tín dụng. Về hồ sơ vay vốn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016: “thu thập chưa đầy đủ tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, quy mô kinh doanh, doanh thu, chi phí, tình hình tài chính, nguồn thu để trả nợ của khách hàng”.
Về công tác thẩm định, xét duyệt cho vay: “chưa đánh giá đầy đủ hiệu quả của phương án sử dụng vốn vay, khả năng tài chính, dòng tiền của khách hàng; một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính chưa phù hợp; thông tin từ các báo cáo có liên quan do khách hàng cung cấp chưa được đánh giá đối chiếu đầy đủ”.
Về kiểm tra, giám sát vốn vay, chi nhánh “chưa thực hiện đúng quy định tại các Quyết định số 2537/QĐ-VCB-QLRRTD và 2503/QĐ-VCB-CSTD của VCB về quản trị và quy trình tín dụng đối với khách hàng bán buôn”. Thanh tra cho biết chi nhánh “chưa rà soát đầy đủ tình hình kinh doanh, chưa cập nhật số liệu tài chính, chưa làm rõ rủi ro phương án sử dụng vốn và chưa lập biên bản kiểm tra định kỳ”.
Trong hoạt động xử lý nợ xấu, các thiếu sót lặp lại gồm: “thu thập chưa đầy đủ tài liệu chứng minh hoạt động kinh doanh và hiệu quả phương án sử dụng vốn; thẩm định chưa đánh giá rõ khả năng trả nợ của khách hàng”. Với tài sản đảm bảo, VCB Tây Ninh “định giá tài sản là máy móc thiết bị chưa đủ thẩm định, chưa có hồ sơ đầy đủ theo quy định”.
Đối với hoạt động ngoại hối, thanh tra phát hiện 4 giao dịch mua bán ngoại tệ với khách hàng có nội dung hợp đồng “không có ngày thanh toán”, vi phạm khoản 1 Điều 10 Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021. Các giao dịch này liên quan đến ngoại tệ USD, AUD, EUR và SGD.