Tháng 2/2023: Sức mua yếu, sản lượng hàng bán của Hòa Phát (HPG) giảm mạnh so với cùng kỳ

Cập nhật: 16:04 | 06/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Thị trường trầm lắng do sức cầu yếu đã khiến sản lượng bán hàng tháng 2 của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HOSE: HPG) giảm 70% so với cùng kỳ.

Tin 'kém vui' cho cổ đông Hoà Phát: Tập đoàn ước lãi 2023 'giật lùi', không chia cổ tức bằng tiền mặt

Tháng 2 vừa qua, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước của HPG đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, HPG đã sản xuất 416.000 tấn thép thô, bằng 60% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 475.000 tấn, bằng gần 70% so với tháng 2/2022.

Trong đó, thép xây dựng đạt 282.000 tấn, giảm 37% so với tháng 2/2022. HRC của HPG ghi nhận 186.000 tấn, cao gấp hơn 2 lần so với tháng 1/2023 nhưng giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Với sản phẩm hạ nguồn HRC, ống thép HPG tiêu thụ 54.000 tấn, giảm 31%; tôn mạ các loại đạt gần 27.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Quý I/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh. Sang năm 2022, thị trường trầm lắng do sức cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép không khả quan.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của HPG đạt 809.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép ghi nhận 877.000 tấn, giảm 34% so với 2 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, HPG còn cung cấp cho thị trường 107.000 tấn ống thép, 48.000 tấn tôn mạ các loại, đạt tương ứng 83% và 68% so với sản lượng bán hàng 2 tháng đầu năm ngoái.

HPG sản lượng tháng 2
Sức cầu yếu, sản lượng bán hàng tháng 2 của HPG giảm 33% so với cùng kỳ. Ảnh minh hoạ

Năm 2023, HPG dự kiến doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng so với năm trước. Mức lợi nhuận này tương đương với kết quả của giai đoạn 2017 - 2019, thời điểm trước khi HPG bước vào quãng thời gian bùng nổ (giai đoạn 2020-2021, lợi nhuận lần lượt đạt 13.506 tỷ đồng và 34.502 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, HPG đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng, không trích quỹ thù lao Hội đồng quản trị và Quỹ Khen thưởng Ban Điều hành vì kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch. Năm 2022, doanh thu thuần đạt 141.409 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 8.444 tỷ, đều thấp hơn mục tiêu đề ra là 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000 – 30.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Đáng chú ý, với phần lợi nhuận còn lại là 8.402 tỷ đồng, HPG đề xuất sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức tiền mặt năm 2022.

Năm nay, nhiều dự báo tình hình kinh doanh của HPG vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Chẳng hạn, Công ty CK KB Việt Nam (KBSV) dự báo sản lượng tiêu thụ của "vua thép" trong quý I có thể giảm hơn 40% so cùng kỳ, còn khoảng hơn 1,4 triệu tấn. Doanh thu của HPG được dự báo giảm 44% còn 24.588 tỷ đồng, biên lợi nhuận thu hẹp xuống 3% so với mức 23% cùng kỳ năm trước. Với dự báo này, KBSV cho rằng Hòa Phát sẽ lỗ ròng 130 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Con số trên giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cải thiện đáng kể so với hai quý gần nhất. Quý III/2022, Hòa Phát báo lỗ ròng gần 1.800 tỷ và tăng lên gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV.

Dự báo cả năm, "vua thép" có thể đạt doanh thu 126.770 tỷ đồng, giảm 10% so cùng kỳ, với tổng sản lượng tiêu thụ gần 7 triệu tấn, giảm 16%. Lãi ròng, theo ước tính của KBSV, chỉ gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kết quả năm 2022.

Thảo Nguyên

Tin liên quan