Tăng trưởng tín dụng chuyển biến tích cực, đến ngày 13/12 đạt 9,87%

Cập nhật: 15:25 | 20/12/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra vào sáng ngày 19/12, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bùi Thúy Hằng cho biết, tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng đạt 9,87% so với cuối năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng chuyển biến tích cực, đến ngày 13/12 đạt 9,87%
Hình minh họa.

Trong khi đó, ở lần công bố gần nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 31/11, tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%.

Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này tuy đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%.

Trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hằng cho biết: "Chúng tôi sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế".

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, như việc đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay.

Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính…

Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Lãi suất tiết kiệm “thủng đáy”, tiền gửi vẫn ùn ùn chảy về ngân hàng

Lãi suất huy động vừa xuất hiện đáy mới với mức gây sốc chỉ 2,4%. Tuy nhiên, dòng tiền của người dân vẫn bất chấp ...

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ ...

Thùy Chi (T/H)