Rà soát việc thực hiện Chiến lược tài chính đến 2020

Cập nhật: 08:57 | 20/04/2016 Theo dõi KTCK trên

Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị 03/CT-BTC về việc tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020 và các chiến lược ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2011-2015.



Theo đó, nội dung tổng kết đánh giá tập trung vào 6 nhiệm vụ cụ thể và 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Chiến lược Tài chính.

Nhiệm vụ được nêu ra là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường đầu tư phát triển con người; cải cách cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công, tài chính doanh nghiệp nhà nước; cải cách tiền lương; củng cố hệ thống an sinh xã hội

Một nhiệm vụ khác là tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đổi mới tổ chức bộ máy ngành Tài chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với các nhiệm vụ trên, sẽ có 8 nhóm giải pháp cũng được đánh giá lại gồm: Nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước; phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Được biết, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Tin liên quan