Quản lý gia sản – mảnh đất màu mỡ nhưng còn bỏ ngỏ tại Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán”, dịch vụ quản lý gia sản được đề cập như một yếu tố nền tảng trong hệ sinh thái tài chính hiện đại
Quản lý gia sản là một trong những dịch vụ tài chính phát triển mạnh tại nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh giới siêu giàu và tầng lớp trung lưu không ngừng gia tăng. Tuy nhiên tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ với đa số nhà đầu tư và chưa được khai thác hiệu quả, cả ở góc độ tư vấn lẫn phân phối sản phẩm tài chính.

Tại phiên trao đổi của Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vào ngày 17/7, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Giám đốc Ban Kinh doanh và Marketing Vietcombank Fund (VCBF) cho rằng để lan tỏa nhận thức về quản lý gia sản, cần bắt đầu từ nhóm khách hàng tinh hoa nhất. Theo bà, đối tượng private và priority không chỉ là người hiểu giá trị của tư vấn chuyên sâu mà còn có sức ảnh hưởng để dẫn dắt hành vi tài chính trong cộng đồng.
“Nếu định nghĩa toàn bộ dân số Việt Nam là một bàn tròn lớn và những người tinh hoa nhất là ‘nhân’, thì chúng ta phải lan tỏa nhận thức từ ‘nhân’ ấy ra bên ngoài”, bà Minh chia sẻ.
Đáng chú ý, bà Minh nhấn mạnh việc tư vấn quản lý gia sản nên được tính phí nhằm nâng cao giá trị chất xám, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ tư vấn. “Khi tư vấn miễn phí, thông tin dễ bị xem nhẹ và không tạo ra sự cam kết từ người nhận”, bà nói.
Quản lý gia sản không chỉ dành cho người giàu
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital, nhà sáng lập nền tảng TOPI , quản lý gia sản (Wealth Management) được định nghĩa gồm ba cấu phần chính: lập kế hoạch tài chính dài hạn, quản lý việc chuyển giao tài sản giữa các thế hệ, và quản lý danh mục đầu tư. Ông Tuấn lý giải: “Khác biệt lớn nhất giữa quản lý tài sản và quản lý gia sản nằm ở tư duy dài hạn, khả năng bảo toàn và duy trì sự tăng trưởng qua nhiều thế hệ”.
Trong danh mục đầu tư, tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi, vàng và bất động sản thường được kết hợp. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư Việt vẫn có xu hướng tập trung vào một kênh duy nhất và dễ thay đổi khi thị trường biến động, dẫn đến rủi ro cao và thiếu tính bền vững.
Không chỉ dành riêng cho người giàu, quản lý gia sản ngày nay được khuyến khích tiếp cận từ sớm, đặc biệt với giới trẻ có thu nhập ổn định. TS. Lê Xuân Nghĩa và ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital, Nhà Sáng lập Nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI cùng nhận định, việc xây dựng chiến lược tài chính dài hạn là bước đầu để hình thành sự thịnh vượng, không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình.
Gia sản phải đi kèm truyền thống
Theo ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam, việc quản lý gia sản không thể tách rời giữa hai yếu tố: phát triển tài sản và xây dựng truyền thống gia đình. “Phải đào tạo đội ngũ kế cận đủ năng lực tiếp nhận, hiểu được giá trị tài sản và duy trì nó. Đó là yếu tố sống còn để tài sản không bị đứt gãy qua các thế hệ”, ông Phục nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Phục cũng chỉ ra rằng phần lớn các gia đình tại Việt Nam vẫn chỉ mới dừng ở nhu cầu tích lũy và bảo toàn tài sản, trong khi chưa chú trọng đào tạo tài chính cá nhân, lập kế hoạch kế thừa, hay xây dựng nền tảng văn hóa tài chính trong gia đình từ sớm.
Trong khi các nước phát triển thường thuê luật sư, cố vấn tài chính và thành lập Family Office để quản lý toàn bộ tài sản gia đình, thì ở Việt Nam, các hoạt động này vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý không tin tưởng vào người ngoài, lo ngại lừa đảo và thiếu hiểu biết về các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp.
Thị trường rộng mở nhưng thách thức còn lớn
Theo thống kê của AzFin, giới nhà giàu tại Việt Nam hiện nắm giữ khoảng 2.900 – 3.800 tỷ USD dưới dạng bất động sản, tiếp đến là tiền gửi (khoảng 280 tỷ USD năm 2023), vàng – đá quý, chứng khoán và gần đây là các tài sản thay thế như tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, kênh đầu tư chính vẫn nghiêng về bất động sản và tiết kiệm – hai lĩnh vực mang tính phòng thủ, ít linh hoạt và hiệu suất không cao trong dài hạn.
Cùng với quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong các gia đình kinh doanh và sự trỗi dậy của tầng lớp thịnh vượng mới, nhu cầu quản lý gia sản sẽ ngày càng gia tăng. Nhưng để dịch vụ này phát triển mạnh, thị trường cần nhiều hơn là tiềm năng. Hành lang pháp lý, hệ thống sản phẩm, chất lượng tư vấn và nhận thức của khách hàng đều cần được cải thiện.
Theo chia sẻ của bà Thiều Thị Nhật Lệ – Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam tại Hội thảo của Tạp chí Nhà đầu tư, tại Thái Lan, khi các ngân hàng được phép phân phối sản phẩm quỹ, ngành quản lý tài sản đã phát triển vượt bậc. Trong khi đó, ở Việt Nam, các tổ chức có lợi thế như ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, dù sở hữu lượng dữ liệu khách hàng lớn.

Cơ hội gắn liền với nâng hạng thị trường
Theo các chuyên gia, việc phát triển tư vấn quản lý gia sản không chỉ có ý nghĩa về mặt tài chính cá nhân mà còn góp phần tạo ra dòng vốn dài hạn, bền vững cho thị trường. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các tổ chức quốc tế.
Như chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Hồng Minh tại hội thảo, muốn có dòng vốn chất lượng, trước hết cần có nhà đầu tư chất lượng – những người có kế hoạch, tầm nhìn, biết phân bổ tài sản hợp lý và sẵn sàng đồng hành lâu dài với thị trường. Quản lý gia sản chính là nền tảng để hình thành lớp nhà đầu tư như vậy.