Chính sách thuế với xe điện giữa Việt Nam và các quốc gia khác
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang sử dụng chính sách thuế như một công cụ trọng yếu để hỗ trợ người dân chuyển sang xe điện.
Cuộc đua chuyển đổi xanh trong ngành giao thông đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, và Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong hành trình giảm phát thải và thúc đẩy phương tiện không động cơ đốt trong, chính sách thuế được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất để tạo động lực cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất.

Tại Việt Nam, chính sách thuế đối với ô tô điện đã có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Nổi bật là việc Chính phủ ban hành Nghị định 51/2025/NĐ-CP, theo đó, từ ngày 1/3/2025 đến hết 28/2/2027, ô tô điện chạy pin được miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ lần đầu và chỉ phải nộp 50% mức thông thường ở các lần tiếp theo. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện cũng được áp dụng ở mức thấp hơn nhiều so với xe xăng, tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tiếp cận. Những chính sách này đã góp phần giúp thị trường ô tô điện tại Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, với sự tham gia của cả thương hiệu nội địa lẫn quốc tế.
Tuy nhiên, xe máy điện – phương tiện phổ biến và có tính ứng dụng cao với đại đa số người dân – thì khung chính sách hiện hành lại chưa thực sự có sự phân biệt so với xe chạy xăng. Người mua xe máy điện vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, lệ phí trước bạ 2% theo Nghị định 175/2025/NĐ-CP (hiệu lực từ 1/7/2025), lệ phí cấp biển số và phí bảo trì đường bộ như bình thường. Tính đến giữa năm 2025, Việt Nam vẫn chưa có chính sách miễn, giảm thuế dành riêng cho xe máy điện, dù nhu cầu chuyển đổi phương tiện tại các đô thị đang trở nên cấp thiết khi nhiều nơi công bố lộ trình cấm xe xăng.
Trong khi đó, Thái Lan được xem là quốc gia đi đầu trong khu vực về ưu đãi thuế đối với xe điện. Chính phủ Thái Lan không chỉ giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu cho ô tô điện, mà còn triển khai trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng. Với mỗi chiếc ô tô điện, người dân có thể nhận hỗ trợ lên đến 150.000 baht (khoảng 100 triệu đồng), trong khi xe máy điện được trợ giá 18.000 baht nếu đáp ứng các điều kiện về giá và nguồn gốc xuất xứ. Đây là một chính sách nhất quán và hướng thẳng vào động lực tiêu dùng, qua đó giúp Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ xe điện lớn bậc nhất Đông Nam Á.
Indonesia cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi áp dụng thuế VAT ưu đãi chỉ 1% cho ô tô điện kể từ năm 2023. Nước này đồng thời miễn thuế nhập khẩu và thuế xa xỉ cho xe điện, đi kèm với những yêu cầu cụ thể về nội địa hóa linh kiện. Đáng chú ý, với xe máy điện, chính quyền Indonesia hỗ trợ tín dụng và trợ giá để tăng khả năng tiếp cận cho người dân ở các đô thị đông đúc như Jakarta. Chiến lược của Indonesia là kết hợp ưu đãi thuế với phát triển chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực pin và linh kiện điện tử – điều giúp họ không chỉ thúc đẩy tiêu dùng, mà còn xây dựng năng lực cạnh tranh dài hạn.
Malaysia thì tiếp cận bằng cách miễn toàn bộ thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đến hết năm 2025, và cho xe lắp ráp trong nước (CKD) đến năm 2027. Ngoài ra, người sở hữu xe điện còn được miễn thuế đường bộ trong vòng 5 năm. Chính sách này được đánh giá là thân thiện với người dùng và mang tính khuyến khích sử dụng thực chất, dù thị trường nội địa của Malaysia không quá lớn.
Trở lại với Việt Nam, trong bối cảnh lộ trình cấm xe xăng đang đến gần tại các đô thị lớn, việc thiết kế các chính sách thuế phù hợp cho xe máy điện sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo công bằng, khuyến khích chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện. Việt Nam cần một chiến lược cân bằng hơn giữa ô tô và xe máy, giữa mục tiêu phát triển bền vững và thực tiễn tiêu dùng hàng ngày của hàng chục triệu người dân.