Ăn món này mỗi tuần giúp sáng mắt, bổ máu mà không cần uống vitamin A
Cà rốt nổi tiếng giúp sáng mắt nhờ vitamin A, nhưng có một món ăn phổ biến ở Việt Nam lại chứa lượng vitamin A cao hơn gấp rưỡi, bạn có biết?
Từ lâu, cà rốt đã trở thành biểu tượng của nguồn thực phẩm hỗ trợ thị lực, nhờ chứa hàm lượng vitamin A cao. Thế nhưng, có một loại thực phẩm không có sắc cam bắt mắt, thậm chí là một phần nội tạng động vật, lại vượt trội về hàm lượng vitamin A và đó chính là gan bò.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100 gram cà rốt sống chứa khoảng 16.700 IU vitamin A. Trong khi đó, 100 gram gan bò nấu chín bằng cách chiên chứa đến 26.100 IU vitamin A – cao hơn khoảng 1,5 lần. Đây là con số đáng kinh ngạc nếu xét đến vai trò thiết yếu của vitamin A trong cơ thể: từ hỗ trợ thị lực, tăng cường hệ miễn dịch, duy trì sức khỏe sinh sản đến bảo vệ tim, phổi và các cơ quan nội tạng.
Không chỉ dừng lại ở đó, gan bò còn được mệnh danh là “kho dinh dưỡng” bởi chứa một loạt vi chất khác như sắt, kẽm, đồng, selen, phốt pho vốn rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất, tạo máu, tái tạo mô và điều hòa chức năng thần kinh.
Chuyên trang BBC Good Food từng xếp gan động vật vào nhóm 20 loại thực phẩm tốt nhất thế giới nhờ khả năng cung cấp protein chất lượng cao, ít calo, nhưng lại giàu vitamin và khoáng chất. Gan bò được xem là loại gan “lành” nhất trong nhóm nội tạng động vật, và với cách chế biến hợp lý, đây là món ăn vừa ngon vừa có giá trị dược lý cao.

Người Việt thích ăn gan nhưng lại chưa hiểu hết giá trị của nó
Trong ẩm thực Việt, gan bò là nguyên liệu quen thuộc được dùng để chế biến thành nhiều món ngon như: gan cháy tỏi, gan xào hành tây, gan xào mướp, cháo gan, pate gan... Những món ăn tưởng chừng dân dã này lại là liều thuốc bổ tuyệt vời nếu được sử dụng đúng cách.
Thói quen ăn gan vốn phổ biến, nhưng không nhiều người biết rằng lượng gan bò tiêu thụ hợp lý chỉ nên từ 100–250 gram mỗi tuần, tùy theo độ tuổi và giới tính. Nguyên nhân là vì gan chứa hàm lượng cao vitamin A và quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến tình trạng dư thừa, ảnh hưởng đến gan, xương khớp, thậm chí gây ngộ độc.
Cũng cần lưu ý khi lựa chọn gan: nên chọn gan tươi, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, bề mặt trơn, đàn hồi tốt, không có mùi hôi hay đốm trắng, nhũn nước. Việc sơ chế đúng: rửa sạch, ngâm sữa tươi hoặc muối loãng, nấu chín kỹ là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ trọn vẹn dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, nội tạng động vật không nên ăn tái hoặc để qua đêm, vì dễ bị oxy hóa, gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và hệ tim mạch. Nếu được chế biến đúng cách, gan bò không chỉ là một phần ăn ngon mà còn là nguồn bổ dưỡng tuyệt vời cho người suy nhược, thiếu máu, trẻ nhỏ hoặc người cần phục hồi sức khỏe.

Ăn gan bò đúng cách: Cách đơn giản để bổ máu, sáng mắt và tăng cường đề kháng
Với thành phần 20,35g protein/100g, gan bò là nguồn protein hoàn chỉnh chứa đủ các axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất. Không chỉ bổ sung vitamin A, gan bò còn là kho dự trữ của sắt và kẽm, hai khoáng chất quan trọng với sức khỏe:
Sắt: Giúp tăng tạo hồng cầu, cải thiện tình trạng thiếu máu, nhất là với phụ nữ mang thai, người hay mệt mỏi, hoa mắt.
Kẽm: Hỗ trợ tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm lành vết thương nhanh.
Phốt pho và đồng: Giúp duy trì cấu trúc xương chắc khỏe và hỗ trợ hoạt động enzyme trong cơ thể.
Selen: Bảo vệ cơ thể trước tác nhân oxy hóa, làm chậm lão hóa và ngăn ngừa ung thư.
Ngoài ra, gan còn giúp điều hòa cholesterol, bảo vệ tim mạch, hỗ trợ hệ thần kinh và cải thiện chức năng gan khi ăn với lượng vừa phải. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng gan là một trong những thực phẩm mang tính “hồi sức” phù hợp cho người mới ốm dậy hoặc vận động viên sau giai đoạn luyện tập cường độ cao.
Điều thú vị là dù rất bổ nhưng gan bò vẫn thường bị “bỏ quên” trong khẩu phần ăn hiện đại là nơi mọi người ngày càng chú trọng đến protein thực vật, ức gà hay cá hồi. Thực tế, nếu được dùng đúng, gan bò hoàn toàn có thể là “vũ khí dinh dưỡng bí mật” giúp bạn bù đắp lượng vitamin và khoáng chất nhanh chóng mà không cần đến thực phẩm chức năng.