Nhịp đập thị trường

Chứng khoán châu Á phục hồi mạnh, Nikkei 225 dẫn đầu với mức tăng hơn 6%

Hoàng Thái 08/04/2025 15:57

Chứng khoán châu Á ghi nhận diễn biến phục hồi không đồng đều, trong đó thị trường Nhật Bản bật tăng mạnh hơn 6% nhờ kỳ vọng thương mại Mỹ - Nhật cải thiện. Dòng tiền phòng thủ cũng chảy mạnh vào các đồng tiền trú ẩn như yên Nhật và franc Thụy Sĩ

Kết thúc phiên giao dịch 8/4 chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 6,03%, vượt trội so với các thị trường trong khu vực, đóng cửa tại 33.012,58 điểm. Đà phục hồi được thúc đẩy sau thông tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản.
"Điều quan trọng là một tia hy vọng đã xuất hiện, mở ra khả năng Mỹ thực sự sẵn sàng nối lại đối thoại thương mại, đặc biệt với Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của ông Bessent", ông Tapas Strickland, Trưởng bộ phận kinh tế thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Úc, nhận định.
Tuy nhiên, ông Strickland cảnh báo biến động vẫn ở mức “cực kỳ cao”, dẫn chứng bằng việc chỉ số đo lường biến động thị trường VIX bất ngờ vọt lên trên mốc 60 trong phiên, mức tăng hiếm thấy, chỉ xảy ra lần thứ hai kể từ đại dịch COVID-19.

Chứng khoán châu Á hồi phục mạnh mẽ
Chứng khoán châu Á trên đà hồi phục sau động thái áp thuế hàng loạt từ chính quyền Trump

Đà tăng tại Tokyo diễn ra sau chuỗi ngày bán tháo mạnh. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chỉ hồi phục nhẹ nhờ động thái can thiệp mua vào từ các quỹ đầu tư quốc gia. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1,41% lên 20.108,35 điểm. Trên sàn Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,58% lên 3.145,55 điểm, còn chỉ số CSI300 tăng thêm 1,71%, đạt 3.650,76 điểm.

Tại Đài Loan, chỉ số Taiex giảm mạnh 4% xuống 18.459,95 điểm – đánh dấu phiên giảm sâu thứ hai liên tiếp sau khi ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất lịch sử một ngày trước đó, trong bối cảnh áp lực đè nặng lên nhóm cổ phiếu công nghệ phụ thuộc xuất khẩu chip.

Cổ phiếu ngành nông nghiệp Trung Quốc ghi nhận mức tăng vọt trong phiên 8/4, khi giới đầu tư kỳ vọng thuế quan mới sẽ hạn chế nhập khẩu nông sản Mỹ, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa.

Trước đó, Bắc Kinh đã đáp trả động thái áp thuế từ chính quyền Trump bằng việc nâng thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ, bên cạnh mức 10%-15% đã áp lên nông sản từ tháng 3. Động thái này đe dọa làm tê liệt hoạt động thương mại nông nghiệp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẵn sàng áp thêm thuế 50% nếu Trung Quốc không rút lại các biện pháp trả đũa. Đáp lại, Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ “không khuất phục trước những hành động ép buộc trắng trợn.”

Toàn khu vực ghi nhận diễn biến phân hóa. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích nhẹ 0,26% lên 2.334,23 điểm, trong khi S&P/ASX 200 của Australia tăng 2,27%, đạt 7.510,01 điểm. Tại Ấn Độ, chỉ số Sensex bật tăng 1,9% lên 74.526,48 điểm. Ngược lại, thị trường Thái Lan lao dốc mạnh, với chỉ số SET giảm 5,54%, đóng cửa ở 559,81 điểm.

Thị trường tiền tệ toàn cầu ghi nhận sự dịch chuyển dòng vốn rõ rệt trong tuần qua khi nhà đầu tư ồ ạt tìm đến các đồng tiền an toàn như yên Nhật và franc Thụy Sĩ. Đồng yên Nhật tăng giá nhẹ, giao dịch quanh mức 147,325 JPY/USD – tiệm cận đỉnh sáu tháng là 144,82 yên thiết lập cuối tuần trước. Tương tự, đồng franc Thụy Sĩ cũng được giao dịch quanh 0,85665 CHF/USD, sát mức cao nhất trong nửa năm ghi nhận trong phiên liền kề.

Mặc dù đồng đô la Mỹ lâu nay được xem là tài sản trú ẩn truyền thống, nhưng vai trò này đang suy yếu. Giới phân tích cho rằng, lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan mới là yếu tố khiến đồng bạc xanh chịu áp lực.

Trên thị trường châu Âu, đồng Euro tăng 0,58% lên 1,0967 USD – không xa mức đỉnh sáu tháng vừa đạt được tuần trước. Đồng bảng Anh cũng hồi phục 0,4%, lên 1,2776 USD sau khi rời khỏi vùng đáy một tháng trong phiên trước.

Hoàng Thái