Chứng khoán châu Á lấy lại sắc xanh, dấu hiệu đảo chiều chưa tới với VN-Index
Thị trường chứng khoán toàn cầu mở đầu tuần mới đầy biến động do ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Trong khi các chỉ số tại châu Á phục hồi mạnh, VN-Index tiếp tục giảm sâu hơn 60 điểm.
Ngày 8/4, thị trường chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận sự phục hồi tích cực ngay khi mở cửa, sau đợt bán tháo dữ dội do thông tin về chính sách thuế đối ứng mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các chỉ số lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đồng loạt tăng điểm, thể hiện tâm lý nhà đầu tư phần nào được cải thiện sau phiên điều chỉnh mạnh trước đó.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bật tăng 5,34%, còn Topix tăng 5,53%. Thị trường Hàn Quốc cũng ghi nhận diễn biến tích cực khi Kospi tăng 2,26% và Kosdaq – đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ – tăng 2,35%. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 mở cửa với mức tăng nhẹ 0,18%.
Riêng thị trường Hồng Kông vẫn chịu áp lực lớn. Chỉ số Hang Seng mở phiên ở mức 19.653 điểm, thấp hơn so với mức đóng cửa 19.828 điểm phiên liền trước. Điều này phản ánh tâm lý e ngại gia tăng trước lời cảnh báo của ông Trump về khả năng áp thêm thuế lên hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không dỡ bỏ thuế suất 34% với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Đây là mức tương đương với mức thuế đối ứng mà Mỹ tuyên bố áp lên hàng Trung Quốc hôm 2/4 vừa qua.
Trước đó, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã ghi nhận mức sụt giảm hơn 13% trong ngày 7/4 – mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ năm 1997, theo dữ liệu từ FactSet.
Trong khi đó, tại Mỹ, phố Wall có một phiên 7/4 đầy biến động khi tâm lý nhà đầu tư liên tục bị chi phối bởi các thông tin trái chiều về chính sách thuế.
Ban đầu, các chỉ số chính đồng loạt lao dốc, S&P 500 mất 4%, Dow Jones giảm 3,5%, Nasdaq rơi 4%. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện thông tin cho rằng ông Trump có thể cân nhắc hoãn thi hành thuế trong 90 ngày, thị trường quay đầu tăng mạnh. Nasdaq bật tăng 4,2%, S&P 500 tăng 3,33%, Dow Jones tăng 1,03%.
Tuy nhiên, tâm lý hưng phấn không kéo dài khi Nhà Trắng ngay sau đó lên tiếng phủ nhận tin đồn trì hoãn áp thuế. Các chỉ số lại quay đầu điều chỉnh: Dow Jones chốt phiên mất 349 điểm (-0,91%), S&P 500 giảm 0,23%, còn Nasdaq tăng nhẹ 0,1%.
Đáng chú ý, chỉ số CBOE – thước đo mức độ biến động của thị trường – đã vượt ngưỡng 60 điểm trong phiên, cao nhất kể từ tháng 8/2024, trước khi đóng cửa ở mức 46,98 điểm – mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Dù có sự phục hồi nhẹ vào cuối phiên, thị trường Mỹ vẫn đang chịu áp lực lớn từ lo ngại về lạm phát và triển vọng kinh tế không mấy khả quan nếu căng thẳng thương mại leo thang.
VN-Index chịu ảnh hưởng mạnh từ thị trường quốc tế
Nhờ việc nghỉ lễ, VN-Index không chịu tác động từ biến động quốc tế trong phiên 7/4. Tuy nhiên, khi mở cửa giao dịch trở lại sáng ngày 8/4, chỉ số chính này đã giảm hơn 60 điểm ngay sau phiên ATO, thể hiện mức độ phản ứng rõ rệt của nhà đầu tư trước rủi ro từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Thị trường bao phủ sắc đỏ khi toàn sàn HoSE có tới hơn 300 mã giảm, chỉ khoảng 30 mã tăng. VN-Index tiếp tục lùi sâu dưới ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm, khiến tâm lý chung trở nên bi quan.
Hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch kém tích cực. Nhóm công nghệ dẫn đầu đà giảm với mức sụt -6,24%, tiếp theo là nhóm chứng khoán (-4,52%), ngân hàng (-2,94%) và bất động sản (-3,8%). Điểm sáng hiếm hoi đến từ nhóm viễn thông, tăng trung bình 2,4% nhờ cổ phiếu VGI dẫn đầu tăng 3%.