Chứng khoán châu Á phản ứng thế nào trước "đòn" áp thuế mới từ Mỹ?
Thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến phiên giao dịch đỏ lửa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan mới, gây lo ngại về tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 366,12 điểm (1,58%), xuống còn 22.846,21 điểm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục biến động nhẹ với chỉ số CSI300 giảm 0,39% xuống 3.869,08 điểm, còn Shanghai Composite lùi 0,11%, đóng cửa ở mức 3.345,13 điểm.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang có xu hướng tìm đến tài sản an toàn, trong khi rút vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm với thương mại. Trung Quốc duy trì sự ổn định của đồng nhân dân tệ, giới hạn mức giảm ở khoảng 0,4%, bất chấp tổng mức thuế quan Mỹ áp lên hàng xuất khẩu Trung Quốc đã vượt 50% và những động thái siết chặt đối với Việt Nam.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh 1.163,38 điểm (3,27%), lùi về mức 34.555,66 điểm. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, ông Yoji Muto, cho biết chính phủ đang xem xét nhiều phương án để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia. Nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chip, chịu áp lực bán tháo đáng kể. Cổ phiếu Tokyo Electron (8035.T), nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip, giảm 4,2%, trong khi Advantest, công ty chuyên cung cấp thiết bị kiểm tra chip cho Nvidia mất 3,3% giá trị.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu áp lực khi chỉ số Kospi giảm 1,06%, chốt phiên ở 2.479,48 điểm. Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã kêu gọi đối thoại với Mỹ nhằm bảo vệ nền kinh tế nước này trước các tác động của thuế quan mới. Ông cũng yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Các chỉ số khu vực ghi nhận diễn biến trái chiều. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,94% xuống 7.859,50 điểm. Ngược lại, chỉ số Taiex của Đài Loan tăng nhẹ 0,085% lên 21.298,22 điểm, trong khi Sensex của Ấn Độ giảm 0,28%, còn 76.402,40 điểm. Ở Đông Nam Á, chỉ số SET của Thái Lan giảm 0,46%, xuống còn 605,59 điểm.
Trên thị trường ngoại hối, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính - giảm xuống 102,98, chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2024. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã giảm hơn 4%. Đồng Euro tăng gần 1% lên mức cao nhất hai tuần ở 1,0950 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,66% lên 1,3097 USD - mức mạnh nhất trong năm tháng qua. Đồng yên Nhật cũng phục hồi, tăng 1,3% lên 147,39 Yên/USD, trong khi đồng Franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất trong bốn tháng ở 0,8754 franc/USD.
Chính sách thuế quan mới của ông Trump đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Giới đầu tư lo ngại rằng các mức thuế cao có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Một số chuyên gia nhận định đây có thể là "cơn ác mộng tồi tệ nhất" đối với thị trường trong năm nay.
Theo danh sách công bố, các mức thuế quan mới của Mỹ sẽ áp dụng trên nhiều nền kinh tế. Anh, Brazil, Singapore chịu mức thuế 10%; Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ bị áp mức 20-26%; trong khi Trung Quốc và Việt Nam phải đối mặt với thuế suất cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Điều này có thể gây áp lực lớn lên các tập đoàn đa quốc gia vốn đã dịch chuyển chuỗi cung ứng sang những nước này để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngay sau khi thông tin trên được công bố, các quỹ ETF của những thị trường này niêm yết tại New York đã đồng loạt lao dốc.