Nhịp đập thị trường

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm sâu, điều hiếm thấy xuất hiện

Hoàng Thái 07/04/2025 17:06

Thị trường chứng khoán toàn cầu mở màn quý II trong sắc đỏ khi loạt chỉ số lớn tại châu Á lao dốc mạnh sau quyết định áp thuế mới từ Mỹ. Nỗi lo về một cuộc suy thoái toàn cầu lan rộng khiến nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy khỏi tài sản rủi ro, đẩy dòng tiền tìm đến các kênh trú ẩn an toàn.

Tại châu Á, Nhật Bản là thị trường chịu thiệt hại nặng nề nhất trong phiên giao dịch đầu tuần (7/4). Chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm tới 8,8%, rơi xuống mức 30.792,74 điểm – thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Kết phiên, chỉ số này vẫn giảm 7,8%, dừng ở 31.136,58 điểm. Toàn bộ 225 mã cổ phiếu thành phần đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Cổ phiếu ngân hàng và tài chính lao dốc mạnh, có lúc mất hơn 17% giá trị, giữa lo ngại dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi tài sản rủi ro khi các chính sách bảo hộ thương mại có nguy cơ lan rộng. Chính phủ Nhật Bản đã phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch – biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định thị trường trong những thời điểm giao dịch biến động mạnh, một động thái hiếm khi được sử dụng.

Chứng khoán châu Á chao đảo trong phiên giao dịch ngày 31/3
Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 7.4

Tại Đài Loan, chỉ số Taiex mở cửa giảm sâu tới 2.065,87 điểm, tương đương 9,8%, và kết phiên ở 19.232,35 điểm – mức giảm trong ngày mạnh nhất trong vòng hơn một năm. Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan đã kích hoạt cơ chế tạm ngừng giao dịch nhằm ngăn chặn đà bán tháo lan rộng.

Đây là phiên đầu tiên sau khi Mỹ công bố áp mức thuế quan mới nhắm vào một số mặt hàng nhập khẩu từ châu Á. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Đài Loan đã có phát biểu trấn an, khẳng định trên nền tảng X rằng một “thời kỳ hoàng kim” trong hợp tác với Mỹ đang đến gần, nhằm duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm mạnh 13,74% còn 19.710,26 điểm, mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm. Trong khi đó tại Trung Quốc, chỉ số CSI300 mất 7,05% xuống còn 3.589,44 điểm, trong khi Shanghai Composite giảm 7,34%, còn 3.096,58 điểm.

Ngay sau phiên giảm mạnh, quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc – Central Huijin Investment – đã phát đi tuyên bố sẽ gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu, đồng thời cam kết bảo vệ sự ổn định thị trường tài chính. Động thái này được giới quan sát xem là nỗ lực trấn an tâm lý nhà đầu tư, trong bối cảnh lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang sẽ kéo theo suy thoái kinh tế nghiêm trọng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 5,57% xuống 2.380,20 điểm. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc khẳng định sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt với ngành ô tô - lĩnh vực chiếm 27% xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 (tổng kim ngạch đạt 127,8 tỷ USD). Chính phủ cũng chuẩn bị đàm phán với Washington khi mức thuế 25% sắp chính thức có hiệu lực trong tuần này.

Diễn biến tiêu cực cũng lan rộng tại các thị trường khu vực. S&P/ASX 200 của Australia mất 4,23%, chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 3,83%, còn SET của Thái Lan giảm 2,22%.

Dòng tiền tháo chạy khỏi cổ phiếu, chuyển hướng sang tài sản an toàn như trái phiếu và tiền tệ mạnh.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 9 điểm cơ bản, còn 3,90%.

Hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy thị trường đang đặt cược Fed sẽ giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, với xác suất 54% cho khả năng cắt giảm ngay trong tháng 5, bất chấp cảnh báo thận trọng từ Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Đồng USD suy yếu khi giới đầu tư chuyển hướng sang tài sản trú ẩn. USD mất 1% so với Yen Nhật (xuống 145,16), giảm 1,45% so với franc Thụy Sĩ (0,8484), trong khi Euro tăng 0,5% lên 1,1005 USD. Đồng AUD tiếp tục giảm 0,5% do lo ngại tăng trưởng toàn cầu.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm sâu,  điều hiếm thấy xuất hiện
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO