Phó Tổng Giám đốc VPBank: Khoảng cuối tháng 7 ngân hàng sẽ nhận được hơn 1,3 tỷ USD còn lại từ SMBC

Cập nhật: 12:42 | 18/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, vào ngày 17/4 VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ từ SMBC, tức hơn 3.590 tỷ đồng.

Áp lực lên lãi suất vẫn cao

Chuyên gia IFC: Thiếu nhà đầu tư ngoại, nợ xấu chỉ đang “đá đi đá lại” giữa các ngân hàng

Lãi suất ngân hàng mới nhất ngày 18/5/2023: Lãi suất tiết kiệm về dưới vùng 9%/năm

Tại buổi gặp gỡ cổ đông ngày 18/5/2023, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HOSE: VPB) chia sẻ, theo hợp đồng đã ký kết phát hành riêng lẻ với SMBC, ngay trong tháng 4, VPBank đã nhận tiền được số tiền đặt cọc 10% của SMBC. Hiện tại ngân hàng đang thực hiện các bước để hoàn tất thương vụ như xin phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật.

Bà Thảo cho biết, quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 – 3 tháng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại, ghi nhận vào vốn của VPBank.

VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ vào tháng 4
VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ vào tháng 4

Theo bà Thảo, trong bối cảnh khó khăn và bất ổn của ngành tài chính ngân hàng toàn cầu, mục tiêu an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu tại VPBank và các công ty con trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, bộ đệm vốn lớn cho phép ngân hàng thực hiện hóa các tham vọng của ngân hàng và các công ty trong hệ sinh thái.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết, vào ngày 17/4 VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 3/2023, ngân hàng VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Thoả thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.

Khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho ngân hàng 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.

Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Điều này cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc chiến lược, đặc biệt là phân khúc bán lẻ và SME trọng tâm.

Nền tảng vốn lớn còn cho phép VPB có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Việc SMBC trở thành cổ đông chiến lược được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hỗ trợ ở cả mảng tài chính và quản trị, đóp góp nhiều giá trị cho sự tăng trưởng của VPB. Ngân hàng SMBC nói riêng và tập đoàn SMFG nói chung là những doanh nghiệp hàng đầu trong mảng tài chính tại Nhật Bản với kinh nghiệm lâu năm và mạng lưới khách hàng trải rộng ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường Châu Á.

Thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới của SMBC Group và ngân hàng SMBC, tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Khi đầu tư vào Việt Nam, những tập đoàn này có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.

Ngoài ra với tiềm lực vốn mạnh mẽ cùng với lợi thế lãi suất ở Nhật Bản hiện đang ở mức thấp, SMBC sẽ hỗ trợ được nhiều cho VPBank về mặt huy động vốn với chi phí rẻ hơn nhiều so với huy động vốn trong nước, giúp ngân hàng giảm đáng kể chi phí vốn hiện đang ở mức khá cao so với trung bình ngành và cải thiện NIM, củng cố vị trí số 1 trong ngành về biên lãi thuần.

Quang Huy