Phía sau những “giá đồng” bạc tỷ: Vì chồng mà hầu đồng rồi vì hầu đồng mà bỏ chồng

Cập nhật: 17:26 | 15/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Hầu đồng chứa đựng một di sản về văn học, âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn... vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, ngày nay, nghi lễ này đang có nguy cơ bị biến tướng đến mức đáng báo động.

Từ cô giáo thành cô đồng

Chị N.T.Mai (Đông Anh, Hà Nội), trước kia nức tiếng trong vùng là một giáo viên dạy giỏi môn xã hội, khéo léo trong giao tiếp, những năm gần đây chị lại nổi tiếng hơn với vai trò là một cô đồng. Tìm gặp chị, tôi khá bất ngờ, chị không chỉ đẹp mà là người rất hiểu văn hóa. Chị kể rằng, từ nhiều năm nay, chị bị bệnh tật triền miên, thường xuyên phải đến bệnh viện nhưng cứ khỏi được vài ngày lại ốm. Mẹ chị đi xem bói về nói rằng, chị có “căn số” cao và đang bị “cơ đày”. Thầy bói khuyên chị nên tìm một quan thầy dẫn dắt ra hầu đồng thì mới khỏi bệnh tật được.

Phía sau những “giá đồng” bạc tỷ: Vì chồng mà hầu đồng rồi vì hầu đồng mà bỏ chồng
Thay khăn áo để chuẩn bị cho giá hầu

Mới đầu, chị không tin, nhưng đầu xuân cách đây vài năm, chị đi lễ đền, gặp một bà trong “bản hội” bây giờ giới thiệu về hầu đồng, hầu bóng có thể chữa được bệnh. Chị cũng thử đi xem thế nào. Sau một năm, sức khỏe ổn định hơn, chị xin nghỉ hẳn giảng dạy ở nhà, dành thời gian để tụ họp cùng “bản hội”.

Gần đây, thầy khấn rằng, chị Mai vẫn chăm chỉ đi theo hầu đồng thì ấn định địa điểm linh thiêng phù hợp với “căn” của chị nằm tại ngôi đền ở phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi nghe “thầy” phán, chị tất tả về Bắc Ninh đặt trước cho nhà đền 2 triệu đồng và bồi dưỡng cho các ông bà trông nom đền vài trăm nghìn đồng để tiện bề giúp đỡ chị. Rồi chị mất cả tuần đi đặt dàn cung văn, chọn lựa nhạc trống, người hát cho canh hầu. Cả công việc mua hàng mã: Hình nộm người, voi, thuyền, nhà... chị cũng tự mình đi về Đông Hồ, Bắc Ninh địa phương nổi tiếng về làm đồ mã đẹp để đặt hàng.

Đến buổi hầu đồng, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi thấy những lễ vật mang theo để dâng cúng được chở đầy 2 xe ô tô 24 chỗ. Suốt 3 tiếng đồng hồ, thầy cúng làm các nghi lễ khấn bái, cầu xin thánh thần. Đến trưa, các mâm cỗ phục vụ bữa trưa được thanh đồng đặt từ trước lần lượt được bê vào. Buổi hôm đó, có hơn 60 người đi cùng, tiền ăn nghỉ từ sáng sớm đến chiều tối có đến hơn chục triệu đồng.

Hàng trăm triệu đồng để “phục vụ thánh”

Phía sau những “giá đồng” bạc tỷ: Vì chồng mà hầu đồng rồi vì hầu đồng mà bỏ chồng
Dự hầu dễ bị cuốn hút vào những màn “tiền bay”, tiếng nhạc rộn rã vui tươi của những giá hầu.

Vốn là một người có tâm, thích lễ bái chùa chiền, đền xa phủ gần, thích làm từ thiện nên chị Song Hiền có nhiều mối quan hệ với cả một “hệ thống” thầy pháp ở khắp các tỉnh, thành. Chồng chị là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, công việc làm ăn cũng thuận lợi và anh muốn chị nghỉ việc ở nhà chuyên tâm vào nội trợ để anh yên tâm “chiến đấu” ngoài thương trường. Chính vì thế, anh chiều theo mọi ý thích về lễ bái của chị từ khi chị nghe lời anh nghỉ việc ở nhà. Anh động viên chị tích cực lễ bái một phần vì muốn công việc làm ăn thuận lợi, một phần anh sợ chị buồn, sẽ đòi đi làm lại.

Chị biết đến hầu đồng lần đầu tiên khi được mời dự một lễ hầu xin lộc đầu năm. Trong ánh đèn nến lung linh, người quen của chị vốn là một “cậu” chuyên soi bói cho người, đã lên những giá đồng tuyệt đẹp trong tiếng cung văn ngọt ngào, dìu dặt. Chị bị cuốn theo cái không khí ấy cùng với sự tung hô của những bạn bè xung quanh.

Sau đàn lễ “ra đồng” hoành tráng năm nào, chị Song Hiền bị cuốn theo với những kỳ cuộc, khánh hội, vấn hầu theo ước định của việc nhà Thánh. Theo đó, ít nhất 1 năm chị phải ra hầu 5 “vấn”, bao gồm: Đầu năm hầu xin lộc mà quan trọng nhất là tiệc Mẫu vào tháng 3 âm lịch, tháng 8 lễ Vua Cha, tháng 4 lễ hầu nhập hạ, tháng 7 lễ hầu tán hạ, cuối năm hầu tạ. Ngoài ra còn những “tiệc” nhỏ trong năm như: Tháng 7 tiệc hoàng Bảy, tháng 9 tiệc cô Chín, tháng 10 tiệc Hoàng Mười… Mỗi lần hầu đồng, tiết kiệm lắm cũng phải ngót vài chục triệu đồng và mất khá nhiều thời gian cho việc chuẩn bị. Các bạn trong bản hội tới dự lễ của chị, sau đó chị cũng phải sắp xếp thời gian để dự hầu đáp lễ các bạn… Ngần đó “công việc” khiến chị luôn bận rộn và thiếu thời gian hơn cả khi còn đi làm.

Chồng chị đã nhận ra sai lầm khi luôn gặp cảnh “nhà trống, bếp lạnh” mỗi khi về nhà. Nhưng bây giờ, anh không thể nói chị dừng lại được nữa vì chị đã bị cuốn vào vòng xoáy của giới “thanh đồng”. Những cuộc cãi vã bùng nổ và cao trào là “tối hậu thư” của chị: “Anh phải chấp nhận vì chính anh là người đã đưa tôi vào cảnh này, tôi không từ bỏ việc tâm linh, tiếp tục sống với nhau nữa hay không là tùy anh”. Các con của anh chị cũng vì buồn cảnh gia đình không còn là mái ấm nữa nên học hành chểnh mảng. Gia đình anh chị đang đứng trên bờ vực của sự tan vỡ, nhưng hình như chị không nhận ra điều đó khi vẫn ngày ngày “đánh đu” theo bạn bè, bản hội ra hầu những “vấn hầu”. Công việc làm ăn của anh bị thua lỗ nhưng chị vẫn thản nhiên vay tiền để hầu đồng với niềm tin: “Thánh đang thử thách, rồi Thánh lại cho ăn lộc đó mà”.

Say đồng và những hệ lụy

Phía sau những “giá đồng” bạc tỷ: Vì chồng mà hầu đồng rồi vì hầu đồng mà bỏ chồng
Nghi lễ hầu đồng này đang bị biến tướng, trở thành trò mê tín dị đoan

Nghi lễ hầu đồng là một sinh hoạt văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc dân tộc gắn liền với đạo Mẫu của dân tộc Việt. Hầu hết các buổi hầu đồng đều được tiến hành theo các nghi thức: Diễn xướng, hát văn, dâng lễ vật, xin lộc… Các thanh đồng sẽ được “tứ trụ” là những người “hầu dâng” giúp việc thay trang phục, trang điểm, hóa trang để trở thành một nhân vật thần linh tương ứng với giá đồng. Trong tiếng đàn hát, trống phách rộn ràng, trầm bổng, đèn nến lung linh, lễ vật rực rỡ, các đấng linh thiêng sẽ “giáng xuống”, mượn thân xác của thanh đồng để ban tài tiếp lộc cho các con nhang đệ tử có mặt trong buổi lễ.

Chính điều này đã giúp cho một số người lợi dụng những giây phút linh thiêng để “phán” ra những lời mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, lôi kéo nhiều người “ra đồng”. Có một thực tế rằng, các đồng thầy rất tích cực thuyết phục người khác ra hầu đồng và họ sẽ là người “phủ khăn”, trở thành “quan thầy” của người đó. Lý do rất đơn giản: Bởi vì người thanh đồng mới kia sẽ phải suốt đời trung thành, phụng sự cho quan thầy của mình và quan thầy nào có nhiều thanh đồng, con nhang đệ tử dưới tay chứng tỏ người đó “đức cao vọng trọng” trong giới đồng bóng. Vì vậy, trước khi quyết định ra hầu đồng hoặc dự hầu, chúng ta nên suy nghĩ thật kỹ và tỉnh táo trước những lời “phán” mang tính chất mê tín dị đoan, trục lợi của các đồng thầy không chính pháp.

Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Hoàng Xá từng chia sẻ, nhân tố tác động mạnh nhất đến hoạt động lên đồng đó chính là niềm tin của con người vào thần thánh và khả năng tiếp xúc giữa con người với thần linh. Ngoài ra, những yếu tố mang tính kích thích tại buổi hầu đồng như tiếng trống, tiếng kèn, âm nhạc, lời ca và sự cuồng nhiệt của các con nhang cũng tạo nên trạng thái biến đổi ý thức của người hầu đồng. Một giá đồng thực sự, hoàn toàn là sinh hoạt văn hoá mang hình thức tâm linh chứ không mang màu sắc "dị đoan". Song, đáng tiếc là khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nét văn hóa này đang bị lạm dụng, biến đổi thành hình thức mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng tín.

Đại đức Thích Minh Thông chia sẻ thêm: “Đi lễ, hầu đồng cũng phải có tri thức, trí tuệ. Không phải, cứ nhìn thấy Phật là lạy, thấy Mẫu là vái, thấy vua chúa là cầu xin... Phải hiểu, thánh thần là ai, Mẫu là ai, hầu đồng là gì, chứ không phải cứ sì sụp khấn vái, đi hầu Mẫu thường xuyên, đốt nhiều hàng mã, vung tay nhiều tiền để mua đồ cúng bái mới thể hiện sự thành tâm. Phật ở trong tâm của mỗi người, biết nghĩ, sống tốt, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau mới thật sự là thành tâm và mới sống yên ổn được”.

Bóc trần sự thật chữa đau dạ dày bằng mật ong và tinh bột nghệ

Lâu nay, dân gian ta vẫn rần rần rỉ tai nhau về tác dụng "thần thánh" của mật ong và tinh bột nghệ với người ...

Bóc trần các thủ đoạn gian lận hoàn thuế GTGT

Tổng cục Thuế cho biết, vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời một số công ty (linh kiện, máy tính điện tử) có hành ...

Bóc trần sự thật về trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi vận mệnh

Phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, gọt hàm, cắt mí… để làm đẹp, nhưng không ít người đã lạm dụng với ảo tưởng thay ...

Vân Hà