Ông Đỗ Việt Hùng phụ trách hoạt động HĐQT Vietcombank

Cập nhật: 09:48 | 29/12/2023 Theo dõi KTCK trên

Sau khi Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng được bổ nhiệm vị trí Phó Thống đốc NHNN, ông Đỗ Việt Hùng được giao phụ trách các hoạt động của HĐQT Vietcombank cho đến khi hoàn tất quy trình kiện toàn nhân sự.

Ngày 28/12, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Phạm Quang Dũng từ ngày 1/1/2024 - người vừa được bổ nhiệm vị trí Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời, phân công ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 là người phụ trách hoạt động của HĐQT ngân hàng từ ngày 1/1/2024 cho đến khi có quyết định khác của HĐQT.

Ông Đỗ Việt Hùng phụ trách hoạt động HĐQT Vietcombank
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB).

Theo thông tin từ Vietcombank, ông Đỗ Việt Hùng (1970) là thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) liên kết với Đại học Northwestern và Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).

Ông Hùng bắt đầu làm việc ở vị trí chuyên viên tại Vietcombank từ năm 1992. Đến năm 1994, ông Hùng chuyển sang làm việc tại Vụ hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước.

Trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2014, ông Hùng trải qua nhiều vị trí cấp phó phòng, trưởng phòng tại Ngân hàng Nhà nước như: Phó phòng WB, Vụ hợp tác Quốc tế; Trưởng phòng Song phương, Vụ hợp tác Quốc tế; Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế; Trưởng ban đánh giá khu vực tài chính Việt Nam (FSAP)…

Với quyết định bổ nhiệm trên, ban điều hành tại Vietcombank kể từ năm 2024 sẽ bao gồm ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT kiêm người phụ trách hoạt động của HĐQT và 5 thành viên còn lại trong HĐQT là các ông Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Mỹ Hào, Shojiro Mizoguchi (Nhật Bản) và ông Hồng Quang.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Vietcombank đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tối thiểu đạt 42.973 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15% so với thực hiện năm 2022.

Như vậy, nhà băng này đã thực hiện được gần 69% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu của cả năm 2023 sau 9 tháng đầu năm.

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vietcombank giảm 4,5%, ghi nhận đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng khiêm tốn 3,9% trong khi số dư tiền gửi có mức tăng trưởng gấp đôi 8,5%.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng vọt 84% so với thời điểm hồi đầu năm, ghi nhận ở mức 14.393 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 0,68% ở cuối năm trước lên mức 1,21%, con số này vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các ngân hàng hiện nay.

Trong đó, nợ từ nhóm 2 đến nhóm 4 của ngân hàng lại tăng mạnh trong khi nợ nhóm 5 giảm 14%. Cụ thể, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 87,5% trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp 7,1 lần; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 7,3 lần con số cuối năm trước.

Tuy nợ xấu tăng nhưng trong ba quý đầu năm, Vietcombank cũng tăng mạnh bộ đệm dự phòng rủi ro thêm gần 57% với 38.872 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 270%, đã giảm so với ngưỡng 385% vào cuối quý II nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân ngành.

Vietcombank huy động thành công 3.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023 ...

Hai “ông lớn” ngân hàng quốc doanh còn lại hạ tiếp lãi suất tiền gửi

Ngày 27/12, hai ngân hàng Vietinbank và BIDV đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trước đó, vào thời điểm đầu ...

Cao Hậu (T/H)