"Nóng" như mùa đại hội...

Cập nhật: 09:57 | 22/06/2020 Theo dõi KTCK trên

Mùa đại hội năm nay đến trễ hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, không vì thế mà các khán phòng thiếu đi “sức nóng” với tâm điểm là chuyện cơ cấu vốn cổ đông và chuyện đầu tư - góp vốn tại doanh nghiệp.

Từ chuyện "kẻ rót rượu ra - người đổ rượu vào"

Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay đã và đang chứng kiến những biến động lớn trong cơ cấu sở hữu tại nhiều doanh nghiệp. Những nhóm cổ đông lớn rút ra và ngay lập tức được thay thế bằng các ông chủ mới có thể vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải đổi mới.

nong nhu mua dai hoi

Từ tháng 2 - 5/2020, các nhà đầu tư nước ngoài (gồm nhiều quỹ đầu tư) - những người thường xuyên sở hữu gần hết room ngoại ở CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn - Savico (HOSE: SVC) đã lần lượt thoái gần hết vốn.

Trước khi diễn biến này xảy ra, cơ cấu cổ đông của Savico khá cô đặc với Tổng Công ty Bến Thành sở hữu 40,8%, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 47,4% bao gồm PYN Elite Fund nắm 8,23%, Finansia Syrus Securities nắm 12,08%, Probus Opportunities nắm 7,3%, Tundra Founder nắm 5,1%, Endurance Capital Vietnam I Ltd nắm 4,57%…

Theo đó, các quỹ trên đã lần lượt bán ra toàn bộ, kéo tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Savico hiện chỉ còn hơn 3%.

Theo thông tin từ Ban lãnh đạo Savico, số vốn toàn bộ cổ đông lớn nước ngoài thoái ra được thay thế bởi nhóm nhà đầu tư trong nước.

Sau biến động lớn về sở hữu, câu chuyện bầu cử thành viên HĐQT trở thành tâm điểm chú ý tại ĐHCĐ của Savico. HĐQT Savico nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã có sự tham gia của những cái tên mới đến từ CTCP Đầu tư Ngành nước DNP và CTCP Chứng khoán VNDIRECT.

Cũng biến động mạnh về cơ cấu sở hữu ngay trước thềm Đại hội thường niên 2020 là trường hợp của CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP).

Theo đó, SK Investment Vina III, đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn đa ngành SK Group (Hàn Quốc) đã nhận chuyển nhượng tới 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 25% vốn tại IMP, chủ yếu từ nhóm Quỹ Dragon Capital với 11,3 triệu cổ phiếu. Phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…

Sau giao dịch, SK Investment Vina III trở thành cổ đông lớn nhất tại IMP. Chiếu theo mức giá 54.200 đồng/cổ phiếu chốt phiên 29/5, thời điểm thực hiện chuyển nhượng, ước tính SK Group đã chi ra khoảng 666 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn tại IMP.

Ở một doanh nghiệp khác là CTCP Xây dựng và Kinh doanh Vật tư (UpCOM: CNT) khi mới đây, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UpCOM: CC1) cũng đã thông báo bán toàn bộ hơn 3,6 triệu cổ phiếu (tương ứng 36,53% vốn) trước khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông niên 2020 của CNT diễn ra vào ngày 30/6.

Nhà đầu tư xuất hiện tại CNT là một cá nhân, ông Nguyễn Hải Trường. Ông Trường đã mua vào thêm gần 3,7 triệu cổ phiếu CNT trong cùng ngày CC1 thoái vốn và trở thành cổ đông lớn nhất tại CNT với sở hữu gần 3,8 triệu cổ phiếu, tương đương 37,88% vốn.

Khác với các nhà đầu tư đại chúng hay các quỹ đầu tư thực hiện đảo danh mục hàng ngày để tận dụng cơ hội kiếm lãi trên thị trường, các thương vị mua - bán của nhà đầu tư, cổ đông lớn thường xuất phát từ những câu chuyện mang tính vấn đề tại doanh nghiệp. Nó tạo ra áp lực hối thúc doanh nghiệp phải thay đổi, phải cải thiện hiệu quả nếu không muốn bị các ông chủ mới thay thế.

Đến chuyện góp vốn

Mới đây, theo báo cáo của HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (UpCOM: PRT), năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.674 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300,9 tỷ đồng, vượt lần lượt 127% và 130% kế hoạch đề ra.

nong nhu mua dai hoi

Đóng góp vào kết quả tích cực này là nhờ khoản cổ tức hơn 557 tỷ đồng mà PRT nhận được từ các công ty con và công ty liên kết trong đó đáng kể nhất là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade, vượt hơn 140 tỷ đồng so với kế hoạch do giá cho thuê đất khu công nghiệp tăng đột biến.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính công ty mẹ PRT, doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với kế hoạch, lần lượt là 17 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.

Liên quan tới hoạt động đầu tư, một trong những vấn đề cổ đông PRT rất quan tâm là thương vụ nhận chuyển nhượng 19% cổ phần CTCP Đầu tư xây dựng Tân Thành từ thời lãnh đạo cũ là ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT hiện đang bị điều tra hình sự về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí).

Năm 2019, PRT đã đàm phán để hủy hợp đồng này. Tổng số tiền phải thu lại của 2 hợp đồng chuyển nhượng (4% từ CTCP Hưng Vượng và 15% của ông Đặng Công Thanh) là 867,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật ngày 21/5/2020 của Ban Tổng Giám đốc PRT, tính đến ngày 30/4/2020, ông Đặng Công Thanh đã thanh toán 250 tỷ đồng, số tiền phải thu còn lại là 617 tỷ đồng.

Do giá trị hợp đồng lớn, lại không có tài sản đảm bảo (riêng hợp đồng của ông Thanh còn liên quan đến việc bảo lãnh từ Công ty TNHH Phát triển Tân Thành) nên cổ đông lo ngại việc thu hồi toàn bộ khoản nợ có thể xảy ra tranh chấp.

Thực tế, hoạt động đầu tư, góp vốn, chuyển nhượng cổ phần có thể mang lại những khoản lợi nhuận kếch sù, song cũng có thể gây thua lỗ lớn, dẫn đến việc “cơm chẳng lành” và hậu quả có thể kéo dài.

Đơn cử, CTCP Cảng Quảng Ninh từng vất vả “đáo tụng đình” để làm rõ khoản góp vốn của Tổng Công ty Xây dựng thương mại (Viettracimex) tại CTCP Thương mại và du lịch Ngôi sao Hạ Long.

Hai doanh nghiệp đã hợp tác cùng 4 đối tác khác để đầu tư xây dựng khách sạn 3 sao tại số 6 Lê Thánh Tông thông qua việc thành lập Công ty Ngôi sao Hạ Long, vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Cảng Quảng Ninh góp vốn bằng quyền sử dụng đất số 6 Lê Thánh Tông.

Quá trình góp vốn, có 2 công ty đề nghị Vietracimex góp vốn thay và Vietracimex chỉ chuyển khoản 27 tỷ đồng. Do Nhập nhèm trong việc góp vốn và chuyển tiền đền bù đất, Vietracimex bị hủy tư cách cổ đông tại Ngôi sao Hạ Long.

Dẫu vậy, Cảng Quảng Ninh không dễ dàng đòi lại 12 tỷ đồng là tiền đền bù đất tại số 6 Lê Thánh Tông bởi Vietracimex và Ngôi sao Hạ Long được coi là “người một nhà”.

Tương tự, tại CTCP Đầu tư đô thị Kang Long, doanh nghiệp này đã xóa tư cách cổ đông lớn của CTCP Thương mại Địa ốc Thế giới Lê vào năm 2017 vì cho rằng chưa góp vốn. Khi tòa án giải quyết thì mới “vỡ lẽ” lãnh đạo doanh nghiệp đã xác nhận việc chuyển nhượng cổ phần, nhưng hợp đồng chỉ là hình thức.

Hiện nay, doanh nghiệp đã chú trọng hơn việc minh bạch thông tin (bao gồm cả hoạt động đầu tư - góp vốn) nhưng vẫn có không ít trường hợp cổ đông chỉ tỏ tường khi cơ quan điều tra vào cuộc hoặc xảy ra cuộc chiến pháp lý tại chốn công đường. Đây cũng là lý do vì sao những giao dịch bất thường luôn là “điểm nóng” tại các kỳ đại hội.

nong nhu mua dai hoi Sabeco đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn cho năm 2020

KTCKVN - Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) mới đây đã công bố ...

nong nhu mua dai hoi Nhóm ngân hàng tiếp tục "xoay bài" các mục tiêu kinh doanh năm 2020

KTCKVN - Thay vì tham vọng như các năm trước, năm nay những tên tuổi lớn nhất ngành ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, ...

nong nhu mua dai hoi Tập đoàn Đại Dương - OGC: Đại hội bất thành, dự án trục trặc, cổ phiếu chưa thoát diện bị kiểm soát

KTCKVN - Ngày 20/6/2020, CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 lần thứ nhất. Sau 2 lần kiểm tra ...

Minh Thuận