Nở rộ mô hình cà phê kiêm trạm sạc xe điện: Nghỉ ngơi, ăn uống, sạc pin chỉ trong một điểm dừng
Mô hình quán cà phê tích hợp trạm sạc xe điện đang bùng nổ, trở thành điểm tựa mới cho tài xế công nghệ giữa làn sóng chuyển đổi xanh.
Mô hình “ba trong một” dành cho tài xế công nghệ
Giữa cái nắng trưa oi ả ở TP.HCM, ông Quốc Bảo (53 tuổi) tìm đến một quán cà phê trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) không chỉ để ăn uống mà còn tranh thủ sạc đầy chiếc xe máy điện và ngả lưng nghỉ ngơi trên võng. Quán có diện tích rộng 160 m², trang bị tới 40 võng cho khách nằm nghỉ và khu vực sạc đủ chỗ cho 26 xe điện cùng lúc. Giá dịch vụ bình dân: nước giải khát từ 17.000 – 20.000 đồng, sạc pin từ 8.000 – 16.000 đồng, còn mì gói chỉ 5.000 đồng. Đặc biệt, khách được miễn phí tắm, vệ sinh và sạc điện thoại.

Kể từ khi chuyển sang xe điện, ông Bảo – tài xế xe ôm công nghệ sống tại Bình Dương – gặp không ít khó khăn trong việc tìm nơi sạc pin khi làm việc tại TP.HCM. Trước đây, ông thường phải sạc nhờ nhà người quen hoặc tìm quán có ổ cắm điện cho thuê giá cao. Việc phát hiện ra mô hình cà phê kết hợp trạm sạc giữa tháng 6 giúp ông tiết kiệm thời gian, tiền bạc và có chỗ nghỉ ngơi tử tế sau những giờ lái xe căng thẳng.
Không riêng ông Bảo, hàng chục tài xế và shipper cũng đã tìm thấy “chốn dừng chân thân thiện” tại đây. Mỗi lần sạc xe kéo dài khoảng 3 tiếng, trong thời gian đó, họ có thể nghỉ trưa, dùng bữa hoặc tranh thủ chợp mắt trước khi tiếp tục hành trình. Mô hình tiện ích này đang chứng tỏ tính hiệu quả khi đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của lực lượng lao động chiếm phần lớn giao thông đô thị TP.HCM.
Xu hướng chuyển dịch đô thị xanh và cơ hội mới cho ngành F&B
Theo khảo sát, mô hình quán cà phê – trạm sạc xe điện bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2024 và nhanh chóng lan rộng. Hiện TP.HCM đã có gần 20 địa điểm tương tự tại các khu vực đông dân cư và tài xế như quận Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh… Những quán này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp điện mà còn mở rộng dịch vụ: cho thuê chỗ nghỉ, giữ xe, phòng tắm, vệ sinh và cả sửa chữa xe máy điện.

Anh Trần Anh Thành, người sáng lập chuỗi trạm sạc 3T, cho biết mô hình ra đời từ chính nhu cầu của cộng đồng tài xế công nghệ. Sau hơn một năm hoạt động, chuỗi của anh đã mở được 5 trạm, mỗi ngày phục vụ 70–100 lượt khách. Ngoài các gói dịch vụ lẻ, mô hình này còn cung cấp gói trọn gói 650.000 đồng/tháng bao gồm sạc pin và giữ xe qua đêm, đồng thời phát triển thêm dịch vụ giao – nhận xe tận nhà trong bán kính 7km.
Theo ông Trần Trung Hiếu, chuyên gia F&B và giám đốc học viện đào tạo F&B Academy, mô hình này là một hướng tích hợp thông minh giữa dịch vụ ăn uống và hạ tầng giao thông xanh. Trong bối cảnh TP.HCM lên kế hoạch chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy công nghệ sang xe điện, đây sẽ là thị trường tiềm năng cho các mô hình “trạm sạc tại chỗ”.
Trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc, mô hình trạm sạc gắn với cửa hàng tiện lợi, tiệm sửa xe, cà phê hay tiệm tạp hóa đã trở nên phổ biến, giúp giải quyết triệt để nỗi lo "hết pin giữa đường" cho hàng triệu xe hai bánh. Tại TP.HCM, khi thị phần xe điện ngày càng tăng, mô hình cà phê – trạm sạc có thể không chỉ là xu hướng tạm thời mà còn là mảnh ghép chiến lược cho đô thị hiện đại và bền vững.