Nhựa Bình Minh báo mức lãi lớn thứ 2 trong lịch sử hoạt động

Cập nhật: 16:45 | 29/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (HOSE - Mã chứng khoán: BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và lũy kế năm 2020, ghi nhận mức lãi lớn thứ hai trong lịch sử của công ty chỉ sau năm 2016.

Vinhomes lãi đậm quý 4/2020 nhờ bàn giao các dự án Ocean Park, Grand Park, Smart City và Symphony

FPT đặt mục tiêu tăng 18% lợi nhuận trong năm 2021

Theo đó, trong quý IV/2020, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.300 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 111 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 21,9% lên 22,4%.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng 11%, mức tăng thấp hơn doanh thu, kéo lợi nhuận gộp tăng gần 15% lên 291 tỷ đồng. Khoản chi phí bán hàng đã tăng mạnh 82% lên 131 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí cho hệ thống phân phối hơn 95 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm mạnh về còn gần 4 tỷ đồng, do có khoản hoàn nhập chi phí dự phòng hơn 16 tỷ đồng.

3635-z-nhya-binh-minh-1
Kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của BMP. (Nguồn: PT tổng hợp BCTC của BMP)
3928-z-nhya-binh-minh-2
(Nguồn: PT tổng hợp từ BCTC của BMP)

Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh tăng 8% lên 4.686 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 24% lên 523 tỷ đồng. Đây là mức lãi lớn thứ hai trong lịch sử của công ty chỉ sau con số 627 tỷ đồng năm 2016.

Với kết quả này, Nhựa Bình Minh đã vượt 2% kế hoạch doanh thu năm và vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2020.

Nhựa Bình Minh có tổng tài sản hơn 3.017 tỷ đồng tính tới thời điểm cuối tháng 12/2020, tăng 168 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1.406 tỷ đồng, gấp hai lần đầu năm và chiếm hơn 46% tổng tài sản.

Tổng phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho giảm 12% về mức 718 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản. Công ty ghi nhận 103 tỷ đồng nợ xấu và đã dự phòng khoảng 67 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Nhựa Bình Minh đến hết năm 2020 là 546 tỷ đồng, tăng 43% so với cuối năm 2019, và chiếm khoảng 18% tổng nguồn vốn, phần lớn là nợ ngắn hạn. Công ty chỉ đi vay 55 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn và tương đương với ngày đầu năm.

Về chi trả cổ tức, dự kiến trong tháng 2/2021, Nhựa Bình Minh sẽ thực hiện thanh toán cổ tức đợt 2/2020 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 20% (cứ mỗi cổ phiếu được nhận 2.000 đồng).

Với hơn 81,8 triệu cổ phiếu BMP đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi gần 164 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Tính đến hết tháng 9/2020, cổ đông đến từ Thái Lan là The Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG sở hữu 54,39% tại Nhựa Bình Minh. Hai quỹ ngoại FTIF - Templeton Frontier Markets Fund và KWE Beteilgungen AG lần lượt nắm 6,25% và 5,03%. Với đợt chia cổ tức này, ước tính các cổ đông sẽ thu về lần lượt là 89 tỷ đồng, 10 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm 2020, Nhựa Bình Minh dự kiến chia cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Hồi tháng 10/2020, công ty đã chi khoảng 232 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 1 với mức cổ tức 2.840 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 29/1, cổ phiếu BMP tăng thêm 4,2% giá trị lên mức 59.600 đồng/cp, tuy nhiên vẫn giảm khoảng 6% so với ngày đầu năm 2021.

4218-z-nhya-binh-minh-3
Biến động giá cổ phiếu BMP hơn 1 năm qua. (Nguồn: tradingview.com)

Phương Thảo