Nhóm doanh nghiệp thủy sản: Chông chênh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020

Cập nhật: 10:16 | 06/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Mặc dù đã hết 9 tháng của năm 2020 nhưng có những doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được 50% kế hoạch lợi nhuận năm như CMX (49%), ACL (19%) và BLF (17%). Nếu không có sự bứt phá nào trong quý IV, khả năng cao các doanh nghiệp này khó có thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Trải qua 2 quý đầu năm 2020 đầy chông gai, sang quý III, mặc dù toàn ngành thủy sản được cho là có chút dấu hiệu khởi sắc nhưng đa phần các doanh nghiệp vẫn đang chật vật tìm lối thoát.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và III liên tục giảm. Tuy nhiên, sang quý III, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD.

So với toàn ngành thủy sản, sản phẩm cá tra dường như vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng trong khi đa phần các mặt hàng khác đều tăng trưởng.

2039-ts
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đại diện cho ngành hàng cá tra, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) là một trong những doanh nghiệp ghi nhận kết quả trong quý III “u ám” nhất. Cụ thể, ABT ghi nhận doanh thu thuần giảm 11% và lãi ròng giảm 88% so với cùng kỳ tương ứng 76 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) cũng ghi nhận lãi ròng giảm 74% xuống còn 40 tỷ đồng. Trong quý IV này, ANV đã nhận đủ đơn đặt hàng sản xuất đến cuối tháng 10, với giá trị xuất khẩu 9 triệu USD. Theo đó, công ty kỳ vọng lãi sau thuế có thể đạt 150 - 160 tỷ đồng trong năm 2020 nếu tình hình xuất khẩu 2 tháng cuối năm tốt như tháng 10.

Một đại diện nữa là CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng ghi nhận một quý “hiu quạnh” với đa phần các chỉ tiêu đều giảm trong đó doanh thu thuần giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ và lãi ròng giảm 31% xuống còn 175 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VHC ghi nhận lãi ròng giảm 44% so với cùng kỳ xuống còn 552 tỷ đồng.

Như vậy, khép lại 3 quý đầu năm, VHC đã thực hiện được 79% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.

Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã, đang và sẽ mở ra những cơ hội cùng với triển vọng to lớn cho thị trường xuất khẩu Việt Nam.

Hiệp định này dường như đã thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Điển hình như CTCP Camimex Group (HOSE: CMX) khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần trong quý III tăng 60% so với cùng kỳ năm trước lên gần 403 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch kéo dài trên toàn cầu, CMX báo lãi ròng quý giảm 32% so cùng kỳ, xuống còn gần 13 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 45% so với cùng kỳ lên hơn 1,620 tỷ đồng trong khi lãi ròng giảm 8% còn 70 tỷ đồng.

Trong bức tranh khá ảm đạm của nhóm doanh nghiệp ngành thủy sản, duy nhất chỉ có CTCP Kiên Hùng (HNX: KHS) báo lãi quý III/2020 tăng trưởng so với cùng kỳ (tăng 18%) đạt hơn 6 tỷ đồng.

Theo KHS, lợi nhuận hợp nhất quý III tăng là do lợi nhuận công ty mẹ tăng 56% so với cùng kỳ nhờ Nhà máy chế biến thủy sản Kiên Hùng đi vào hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính công ty mẹ cũng tăng do thu lãi từ việc đầu tư trái phiếu.

Trong khi đó, nhờ phân xưởng sản xuất chả cá hoạt động trở lại, CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) đã có lãi trong quý III nhưng con số cũng chỉ ở mức 689 triệu đồng qua đó chấm dứt giai đoạn thua lỗ liên tiếp trong 4 quý trước đó.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm 2020, NGC ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh 88%, xuống còn hơn 13 tỷ đồng và lỗ ròng 16 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lỗ gần 2 tỷ đồng). Tính đến ngày 30/9/2020, lỗ lũy kế của NGC vẫn ở mức hơn 29,7 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 6,7 tỷ đồng.

Nhóm doanh nghiệp thủy sản: Chông chênh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020
Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành thủy sản (Đơn vị: Tỷ đồng)
Nhóm doanh nghiệp thủy sản: Chông chênh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020
(*) Lãi sau thuế

Như vậy có thể thấy, mặc dù đã hết 9 tháng của năm 2020 nhưng có những doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được 50% kế hoạch lợi nhuận năm như CMX (49%), ACL (19%) và BLF (17%). Nếu không có sự bứt phá nào trong quý IV, khả năng cao các doanh nghiệp này khó có thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận đề ra. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn đi ngược kế hoạch lợi nhuận năm 2020 khi 9 tháng đầu năm vẫn còn báo lỗ như AAM, NGC và TS4.

Theo VASEP, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường và xuất hiện trở lại trong cộng đồng trong nước, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường.

VASEP cũng đưa ra dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ trong đó tôm tăng 9%, đạt 1,1 tỷ USD, cá tra giảm 31%, đạt 365 triệu USD. Với dự báo trên, xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019, trong đó tôm ước đạt gần 3,7 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD.

Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) sắp trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%

Ngày 16/11 tới đây CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, HOSE - Mã chứng khoán: SGN) sẽ chốt danh sách cổ đông thực ...

Vinaconex (VCG) lên kế hoạch mua hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX - Mã chứng khoán: VCG) thông qua kế hoạch mua cổ ...

Hà Đô (HDG) hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng

CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2020

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm