Nhiều vấn đề đất đai đang thách thức các đô thị

Cập nhật: 08:02 | 28/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tại phiên thảo luận Quốc hội (chiều 27/05) về việc quản lý đất đai thời gian qua, để làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác sử dụng đất đai, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức, cần tiếp tục được khắc phục.

nhieu van de dat dai dang thach thuc cac do thi TP. HCM: Chiến lược phát triển đô thị dài hạn
nhieu van de dat dai dang thach thuc cac do thi Bản tin đầu tư bất động sản ngày 27/05
nhieu van de dat dai dang thach thuc cac do thi Hà Nội lên kịch bản dự phòng xe buýt khi đường sắt đô thị gặp sự cố

Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thách thức các đô thị

Theo Phó Thủ tướng, kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực năm 2013, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận thì công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị còn nhiều tồn tại, hạn chế và cần có giải pháp khắc phục.

Mỗi năm tăng xấp xỉ 200.000 người đổ về hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM. Đây chính là sức ép rất lớn, tạo áp lực lên hạ tầng đô thị và ảnh hưởng hiệu quả sử dụng đất đai, trong khi đó việc đầu tư hệ thống hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục, hạ tầng dịch vụ…

Trong khi đó, cơ cấu sử dụng đất ở các đô thị chưa phù hợp, còn nhiều bất cập. Chúng ta mới chú ý tới nhà ở thương mại cho người có thu nhập, còn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cho công nhân ít được quan tâm.

Thêm vào đó, việc sử dụng đất đai còn lãng phí, thất thoát, có nơi rất nghiêm trọng cũng gây ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng đất đai, thiệt thại nền kinh tế, gây bức xúc xã hội. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn bất cập dẫn đến người dân khiếu kiện, có nơi xảy ra điểm nóng, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, an toàn xã hội.

“Việc đầu tư phát triển đô thị mới chỉ tuân thủ quy hoạch, chưa có hoặc thiếu kế hoạch, dẫn đến đầu tư phát triển đô thị theo phong trào ở nhiều nơi, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dự án treo, quy hoạch treo, đất bỏ hoang”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra.

nhieu van de dat dai dang thach thuc cac do thi

Nhiều dự án quy hoạch treo gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, thiệt hại kinh tế cho Nhà nước

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan quy hoạch sử dụng đất đai, đô thị; tập trung vào công tác quy hoạch, kịp thời điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo tính khoa học, phát triển phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ. “Đặc biệt, công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết và giám sát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân, nắm chắc hơn đời sống người dân sau tái định cư; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xây dựng cơ chế kiểm soát giá đất, đảm bảo công khai minh bạch, tránh thiệt hại cho Nhà nước.

Mặt khác, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, chung cư xuống cấp tại các đô thị, chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu đông dân cư… Rà soát quy hoạch, đảm bảo không gian công cộng cho người dân. Rà soát các công trình sử dụng nhiều đất đai, tránh lãng phí. Xây dựng quy hoạch không gian ngầm trong đô thị, quản lý chặt chẽ người nước ngoài sở hữu đất đai ở Việt Nam.

Đề xuất xây dựng dữ liệu cơ sở về đất đai

Trong khi đó, ở câu chuyện giá đất phập phù, khó nắm bắt và nhiễu loạn thông tin thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết giá đất đai hiện nay có hai loại. Loại giá thứ nhất dành cho những người có trách nhiệm đóng góp tài chính, tức là người dân và doanh nghiệp, thông qua khung giá đất 5 năm điều chỉnh một lần. Thứ hai là giá đất cụ thể theo giá thị trường.

"Vì mục đích khác nhau nên khung giá đất chỉ để cho người ta thực hiện nghĩa vụ tài chính, ít thay đổi còn giá đất cụ thể theo thị trường đang là bài toán", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.

nhieu van de dat dai dang thach thuc cac do thi

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình tại Quốc hội

Hướng giải bài toán này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng tìm cách định ra cơ sở dữ liệu về đất đai, theo dõi toàn bộ các sàn giao dịch, đưa ra các định chế yêu cầu xử lý nếu giá giao dịch không đúng với giá đất thị trường…

“Khi có mạng lưới dữ liệu đó, qua 5 năm, 10 năm sẽ hình thành giá trị trung bình của thị trường. Khi đó, Nhà nước sẽ hình thành khung giá đất cũng như giá đất thị trường, định giá đất đai sẽ minh bạch hơn, có cơ sở khoa học hơn, đúng phương pháp luận hơn”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã nhìn thấy quy hoạch đất đai trong thời gian tới cần tính toán, để đưa quy hoạch này vừa có ý nghĩa, vừa có tầm nhìn chiến lược, phản ánh được trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu trong đó đặc biệt phải giải quyết được bài toán về kinh tế, cân đối hài hoà, hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu môi trường; giải quyết bài toán không gian để phát triển kinh tế xã hội song vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng…

“Nếu giải quyết được các mối quan hệ này, chúng ta sẽ có quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và đồng tình với góp ý của các đại biểu là cần phải công khai, minh bạch các quy hoạch để nhân dân giám sát.

Văn Thắng

Tin cũ hơn
Xem thêm