Nguy cơ lớn từ việc ngân hàng mất quyền tự quyết room ngoại

Cập nhật: 11:17 | 25/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Việc ngân hàng mất quyền định đoạt về room có thể là kẽ hở để vốn ngoại thâu tóm ngân hàng. Khi đó, không loại trừ tình trạng nguồn vốn huy động trong nước có thể bị tác động để “đẩy ra nước ngoài”, đây là nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế.

4528-rooomgnaoi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến đã có nhiều điểm gây tranh cãi. Trong đó, một điểm đáng chú ý là không còn quy định cho phép công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến lo ngại, nếu đề xuất này được áp dụng thì những lĩnh vực đặc thù như ngân hàng sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Giải trình về quy định tước quyền định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng trong quá trình thực hiện quy định cũ, một số công ty thường xuyên thay đổi room ngoại, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông (không thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài), không bình đẳng giữa các công ty, ảnh hưởng đến tính minh bạch, tính thanh khoản của cổ phiếu…

Giải trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải không có cơ sở, song nhiều chuyên gia cho rằng quy định trên không phù hợp với ngành nhạy cảm, đặc thù như ngân hàng, gây bất lợi cho cả ngân hàng, cổ đông, thậm chí cả an ninh tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Đức Kiên (tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho hay các tổ chức tín dụng là loại doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật chứng khoán, cơ quan chủ trì soạn thảo đang đề xuất gộp chung các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp lĩnh vực khác.

“Ở góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng phải tách ngân hàng ra thành một nhóm ngành riêng, đặc biệt nó còn phải chịu sự chi phối của Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước. Đây là một lĩnh vực rất đặc thù,” ông Kiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Trần Du Lịch phân tích dự thảo tạo điều kiện cho các cổ đông nước ngoài nhỏ lẻ lướt sóng và khiến cổ đông chiến lược cảm thấy áp lực. Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ là lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư lâu dài.

“Quan điểm của tôi là chưa cần thiết phải thay đổi quy định về quyền tự quyết về room ngoại của doanh nghiệp, nhất là ngân hàng, nếu không chứng minh được rằng, quy định hiện tại cản trở phát triển ra sao. Chúng ta cũng không nên can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp bằng một văn bản hành chính,” ông Lịch đề nghị.

Trong văn bản 5924/NHNN-PC góp ý dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ban soạn thảo cần trả lại quyền tự quyết về room ngoại cho doanh nghiệp. Cụ thể, tại Điểm b khoản 1 Điều 131 Dự thảo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung quy định: "... thực hiện theo quy định tại pháp luật đó và Điều lệ của công ty trong đó bao gồm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Điều lệ công ty trong phạm vi giới hạn tối đa pháp luật quy định." Bởi, hiện nay các quy định của pháp luật chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt quá một tỷ lệ nhất định chứ không quy định tỷ lệ này là cố định.

Theo đó, các công ty có quyền quyết định một tỷ lệ khác nằm trong tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài do pháp luật quy định cho từng ngành, lĩnh vực. Ngoài lý do trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc trao quyền tự quyết room cho doanh nghiệp còn là cơ sở để các doanh nghiệp cân nhắc việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược phát triển của công ty.

Theo các chuyên gia, điểm khác biệt lớn nhất của ngân hàng so với các doanh nghiệp khác là được phép huy động vốn nội địa. Thế nhưng, việc ngân hàng mất quyền định đoạt về room có thể là kẽ hở để vốn ngoại thâu tóm ngân hàng. Khi đó, không loại trừ tình trạng nguồn vốn huy động trong nước có thể bị tác động để “đẩy ra nước ngoài” và đây là nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế.

Khuyến cáo các giao dịch liên quan đến tiền ảo

Đây là thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định tại buổi họp báo công bố “Kết quả điều hành chính ...

Tín dụng toàn ngành có dấu hiệu phục hồi

Bất chấp lãi suất giảm, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào ngân hàng. Trong khi đó, tín dụng cũng bắt đầu tăng trưởng trở ...

Gần 500 triệu cổ phiếu ACB sắp về tài khoản nhà đầu tư

HNX vừa thông báo chấp thuận niêm yết bổ sung gần 500 triệu cổ phiếu ACB. Đây là lượng cổ phiếu được ngân hàng ACB ...

Anh Khôi