Thuế - Bảo hiểm

Người nộp thuế cần lưu ý gì khi địa phương thay đổi đơn vị hành chính?

Lê Thành 30/06/2025 11:48

Địa chỉ hành chính thay đổi, thông tin thuế được cập nhật tự động. Người nộp thuế cần nắm rõ để tránh hiểu lầm khi tra cứu, lập hóa đơn.

Chi cục Thuế khu vực 8 (quản lý địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) vừa có thông báo về việc cập nhật địa chỉ của người nộp thuế theo đơn vị hành chính mới, đồng thời xác định lại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

đơn vị nộp thuế
Cập nhật địa chỉ của người nộp thuế theo đơn vị hành chính mới

Theo nội dung công văn, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thuế đã được điều chỉnh để cập nhật địa chỉ mới của người nộp thuế theo thay đổi đơn vị hành chính ở cấp tỉnh và cấp xã. Điểm quan trọng là: người nộp thuế không bắt buộc phải điều chỉnh thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi địa phương thay đổi đơn vị hành chính.

Thông báo của cơ quan thuế là căn cứ để doanh nghiệp giải trình với các đơn vị có liên quan, trong trường hợp có sự khác biệt giữa địa chỉ ghi trên hóa đơn (đã cập nhật theo địa giới hành chính mới) và thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (vẫn theo địa giới cũ).

Trong trường hợp người nộp thuế có nhu cầu cập nhật lại thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho thống nhất, thì có thể thực hiện thủ tục theo quy định với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Cơ sở pháp lý và hướng dẫn từ Bộ Tài chính

Trước đó, ngày 5/4/2025, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn về việc đăng ký kinh doanh trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính.

Theo văn bản này, các tổ chức như doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác... được tiếp tục sử dụng các loại giấy chứng nhận đăng ký đã cấp trước đó, bất kể địa chỉ hành chính có thay đổi. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm thủ tục hành chính và tránh gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sắp xếp lại bộ máy thuế: Không ảnh hưởng nghĩa vụ người nộp thuế

Liên quan đến tổ chức bộ máy, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 29/2025 về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu của Bộ Tài chính, Bộ này đề xuất tái cơ cấu hệ thống cơ quan thuế theo hướng đồng bộ với đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Cụ thể, sẽ tổ chức lại từ 20 chi cục thuế khu vực hiện nay thành 34 đơn vị thuế cấp tỉnh, tăng 14 đơn vị. Đồng thời, 350 đội thuế cấp huyện sẽ được chuyển đổi thành 350 cơ quan thuế cơ sở, trực thuộc cơ quan thuế cấp tỉnh, để quản lý tại các đơn vị hành chính cấp xã.

Cơ quan thuế cấp tỉnh và cấp cơ sở sẽ có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, mã số cơ quan quản lý thu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, đảm bảo chủ động trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế, việc sắp xếp lại này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như nghĩa vụ thuế của người dân. “Đặc thù ở Việt Nam là cơ quan thuế gắn liền với chính quyền địa phương vì quản lý thuế luôn dựa trên đặc điểm kinh tế – xã hội từng địa phương. Do vậy, tổ chức lại hệ thống cơ quan thuế giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà không làm gián đoạn hoạt động của người nộp thuế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định rằng ngành thuế sẽ tổ chức lại theo nguyên tắc "người đi theo việc", tức là bộ máy vận hành mới vẫn đảm bảo đúng người, đúng nhiệm vụ, không gây phiền hà cho doanh nghiệp hay người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Người nộp thuế cần lưu ý gì khi địa phương thay đổi đơn vị hành chính?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO