Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi 2.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Cập nhật: 16:10 | 06/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 5/3, Sở giao dịch chứng khoán TP Hà Nội (HNX) đã có báo cáo về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB, HOSE: VIB).

Cụ thể, ngân hàng này đã tiến hành mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã VIBL2225002 vào ngày 28/2/2024. Lô trái phiếu có tổng cộng 2.000 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 28/2/2022, kỳ hạn 3 năm, theo đó phải đến ngày 28/2/2025 mới đến thời điểm đáo hạn.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi 2.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB, HOSE: VIB).

Đây là lô trái phiếu thứ hai được ngân hàng này mua lại trong năm 2024. Lô trái phiếu đầu tiên được mua lại là VIBL2128027 với số lượng 100.000 trái phiếu, mệnh giá mỗi trái phiếu là 10 triệu đồng, tổng giá trị là 1.000 tỷ đồng.

Lô trái phiếu VIBL2128027 này có kỳ hạn 7 năm, được phát hành vào ngày 27/12/2021 và đáo hạn vào ngày 27/12/2028.

Trước đó, trong năm 2023, VIB là một trong số những ngân hàng tích cực trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Theo thông tin từ sàn HNX, từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023, VIB đã có tổng cộng 20 đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị mua lại là 9.000 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh tại VIB, lũy kế cả năm 2023, VIB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 17.360 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Đây là mức thu nhập lãi thuần kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay của nhà băng này.

Theo đó, thu nhập lãi từ việc cho vay khách hàng đem về 35.567 tỷ đồng, tăng 29,3%. Dù chi phí lãi phải trả tiền gửi khách hàng tăng 45,1% lên 18.207 tỷ đồng, nhưng thu nhập lãi thuần của VIB vẫn tăng trưởng tốt.

Trong năm 2023, hoạt động dịch vụ đem về 3.326 tỷ đồng, tăng 4,3%; Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về 548 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là lỗ 275 tỷ đồng; Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đem về 129 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là lỗ 175 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác là 791,6 tỷ đồng, tăng 123% so với năm trước.

Năm 2023, tổng chi phí hoạt động của VIB tăng 6,7% lên 6.610 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 4 lần lên 4.846 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là 1.279 tỷ đồng.

Bất chấp việc phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 5.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh đã giúp VIB tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về lãi ròng trong một năm tài chính. Kết quả, lũy kế năm 2023 ngân hàng VIB báo lãi 8.562 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm trước (8.468 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VIB là 409.880 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng là 236.577 tỷ đồng, tăng 18,2%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 31.229 tỷ đồng (tăng 14,4%), chiếm 13,2% lượng tiền gửi khách hàng.

Cho vay khách hàng là 266.345 tỷ đồng, tăng 148%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 102.695 tỷ đồng (tăng 53,6%); Nợ trung hạn là 15.123 tỷ đồng (giảm 17,6%); Nợ dài hạn là 148.526 tỷ đồng (tăng 1,2%), chiếm 55,8% tổng cho vay khách hàng của VIB (con số này ở đầu năm là 63,3%).

Một điểm đáng chú ý khác, chất lượng tín dụng của VIB đang có chiều hướng đi xuống rõ rệt, khi tổng nợ xấu nội bảng tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 8.375 tỷ đồng, tăng 47,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này theo đó cũng tăng mạnh từ 2,5% hồi đầu năm lên mức 3,1% vào thời điểm cuối năm 2023.

Loạt ngân hàng chốt lịch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024

Hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 diễn ra trong tháng 3 và ...

Bất động sản thế chấp đạt trên 375 nghìn tỷ, nợ xấu tăng vọt, VIB ồ ạt rao bán loạt tài sản thu hồi vốn

Những tháng đầu năm 2024, VIB đang ồ ạt rao bán hàng loạt nhà đất với mức giá chỉ từ vài trăm triệu đến vài ...

Vân Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm