Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng rủi ro

Nguyễn Đăng 08/07/2025 10:28

Sáng ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024. Thông tin tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, từ ngày 1/7/2025, ông được phân công là người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước và chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

Ổn định chính sách tiền tệ giữa bối cảnh bất định

Thông tin về tình hình vĩ mô, Phó Thống đốc cho biết, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều bất ổn. Tăng trưởng toàn cầu chậm lại do tác động từ những thay đổi nhanh chóng trong chính sách thuế quan và căng thẳng địa chính trị leo thang. Đặc biệt, ngay sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Hoa Kỳ công bố áp mức thuế từ 25% đến 40% với 14 quốc gia, có hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo có thể tăng thêm nếu các nước có hành động trả đũa. Tình trạng này cho thấy môi trường kinh tế quốc tế tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

tín dụng
Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp

Dù lạm phát toàn cầu đã dần hạ nhiệt về mức mục tiêu, nguy cơ tái bùng phát vẫn hiện hữu. Trong nước, những rủi ro từ thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tiếp tục tạo áp lực lên công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tỷ giá, lãi suất và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 với kỳ vọng đạt từ 8% trở lên.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính – tiền tệ trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng các kịch bản điều hành linh hoạt, chủ động và hiệu quả. Chính sách tiền tệ tiếp tục được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Giữ nguyên lãi suất điều hành, tín dụng tăng gần 10%

Trong 6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, từ đó tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong lĩnh vực tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN đã điều hành linh hoạt theo sát tình hình quốc tế, sử dụng phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Kết quả là nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ và kịp thời, trong khi tỷ giá VND vận hành linh hoạt phù hợp với điều kiện thị trường.

tín dụng ngân hàng
Tín dụng tăng tốc trong bối cảnh toàn cầu bất định

Về tăng trưởng tín dụng, NHNN xác định mục tiêu tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, và đã phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Tăng trưởng tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ.

Song song với đó, nhiều chương trình tín dụng trọng điểm cũng được triển khai như: Gói vay 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng và công nghệ số; cùng với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Những chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng thực chất, đi vào các khu vực sản xuất, hạ tầng, công nghệ và nông nghiệp.

nganhangnhanuoc2.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ quý II của Ngân hàng Nhà nước

Chuyển đổi số ngân hàng và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực

Bên cạnh chính sách tín dụng, NHNN tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Cơ chế, chính sách về TTKDTM được hoàn thiện nhằm tạo nền tảng pháp lý và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng số và các phương thức thanh toán hiện đại, tiện ích.

Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số được đầu tư, nâng cấp, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, việc phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, giao dịch TTKDTM tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 39,90% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179.14% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% về số lượng và tăng 39,85% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 14,33% về số lượng và 3,85% về giá trị.

Ở mảng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng kế hoạch giai đoạn 2021–2025. Công tác nâng cao năng lực quản trị của các TCTD, xử lý nợ xấu cũ và ngăn ngừa phát sinh nợ xấu mới tiếp tục được chú trọng. Một bước tiến pháp lý đáng chú ý là việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, trong đó luật hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ và thống nhất cho công tác xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống.

Định hướng điều hành những tháng cuối năm 2025

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo đuổi mục tiêu điều hành CSTT chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Chính sách tiền tệ sẽ được phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc điều hành tỷ giá sẽ được thực hiện linh hoạt theo thị trường, phối hợp với các công cụ CSTT khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Trong tín dụng, NHNN sẽ điều hành theo hướng an toàn, hiệu quả, phù hợp với diễn biến kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ, hạ tầng và nông nghiệp tiếp tục được ưu tiên. Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Song song đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tăng cường bảo mật hoạt động ngân hàng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Truyền thông và giáo dục tài chính sẽ được đẩy mạnh, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính cho người dân khi tiếp cận sản phẩm ngân hàng.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Ngân hàng Nhà nước định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng rủi ro
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO