Ngân hàng bị 'buộc' phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Cập nhật: 06:14 | 04/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo nên những thách thức nhất định đối với lĩnh vực ngân hàng, mà còn thúc đẩy các ngân hàng bước vào công cuộc chuyển đổi số để tồn tại và phát triển...

2931-bidv382
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển ngân hàng số: Mô hình và Giải pháp", do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức chiều 3/8, các chuyên gia cho rằng, đại dịch COVID-19 không chỉ tạo nên những thách thức nhất định đối với lĩnh vực ngân hàng, mà còn thúc đẩy các ngân hàng bước vào công cuộc chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Việc số hóa các dịch vụ giúp các ngân hàng gia tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo một khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin; 42% các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số.

Dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số; tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.

Khảo sát trên cũng cho thấy mức độ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ; trong đó, mục tiêu của các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước là chuyển đổi số toàn hệ thống mạnh mẽ. Các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ hơn thì việc chuyển đổi số có chọn lọc để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nhiệm khách hàng là mục tiêu tất yếu.

Theo ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi liên tục trong vài năm trở lại đây. Tại châu Á (bao gồm cả Việt Nam), kỳ vọng của khách hàng về dịch vụ ngân hàng di động và trực tuyến tăng cao thay thế các dịch vụ truyền thống là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chuyển đổi số mang lại những trải nghiệm ngân hàng mới và để hiện thực mô hình lấy khách hàng làm trung tâm.

Ông Phan Việt Hải, Giám đốc Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt cho rằng, ngân hàng số phải tạo được trải nghiệm khách hàng vượt trội thông qua quá trình xây dựng lại cách thức cung cấp và vận hành dịch vụ trên nền tàng công nghệ hiện đại.

Điều này cho thấy việc gia tăng trải nghiệm khách hàng giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng số hiện nay tại Việt Nam.

Ngoài việc đưa ra những sản phẩm dịch vụ tài chính hoàn hảo và cập nhật, các ngân hàng còn phải thật sự am hiểu thị trường, nhu cầu mong đợi của khách hàng. Quan trọng hơn là xác định được những vấn đề, khó khăn mà bản thân ngân hàng đang gặp phải mỗi ngày trong từng giao dịch.

Thực tế triển khai cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến các quy định về giao dịch điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng...

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện, đồng bộ khung pháp lý sẽ giúp quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời, việc chuẩn hoá hạ tầng kỹ thuật cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số…

Lãi suất tiết kiệm VietBank mới nhất tháng 8/2021

Bước sang tháng 8, lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) không ghi nhận có sự thay đổi so ...

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận một số ngân hàng tăng đột biến

Toàn bộ 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với bức tranh lợi nhuận tăng trưởng ...

TOP 10 ngân hàng được khách hàng gửi tiền nhiều nhất nửa đầu năm 2021

10 ngân hàng có tiền gửi ngân hàng lớn nhất tính đến hết tháng 6/2021 bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, ...

Lưu Lâm